1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (3 votes, average: 2,33 out of 5)
Loading...
Chia sẻ:

Acetylcystein Thuốc ho long đờm và những lưu ý khi sử dụng

Acetylcystein là thuốc làm lỏng dịch tiết nhầy ở niêm mạc đường hô hấp, thuốc được sử dụng điều trị ho có đờm trong các trường hợp như viêm họng, viêm phế quản, viêm mũi, hen phế quản và suy hô hấp mạn tính.


Acetylcystein Thuốc ho long đờm

1.Acetylcystein là thuốc gì

DSCK1. NGUYỄN HỒNG DIỄM giảng viên Trường Cao đẳng Dược cho biết:Acetylcystein (còn gọi là N – acetylcystein) là dẫn chất N – acetyl của L – cystein, đây là một amino – acid tự nhiên, thuộc nhóm thuốc long đàm (đờm). Acetylcystein có tác dụng làm loãng chất nhầy trên đường hô hấp do làm giảm độ quánh của đờm ở phổi bằng cách tách đôi cầu nối disulfua trong mucoprotein và tạo thuận lợi để tống đờm ra ngoài bằng phản xạ ho hay dẫn lưu tư thế hoặc bằng phương pháp cơ học.

Acetylcysteine được sử dụng làm thuốc tiêu chất nhầy ở đường hô hấp và thuốc giải độc và bảo vệ chống gây độc cho gan khi dùng quá liều paracetamol bằng cách khôi phục và duy trì nồng độ glutathion của gan, từ đó làm bất hoạt chất chuyển hóa trung gian của paracetamol gây độc cho gan. Ngoài ra, Acetylcysteine cũng được sử dụng tại chỗ để điều trị tình trạng khô mắt.

Acetylcystein được hấp thu nhanh ở đường tiêu hoá sau khi uống và bị gan khử Acetyl thành Cystein và sau đó được chuyển hoá. Thuốc đạt nồng độ đỉnh huyết tương trong khoảng 0,5 đến 1 giờ sau khi uống 200mg đến 600 mg. Sinh khả dụng đường uống thấp do chuyển hoá ở thành ruột và chuyển hoá lần đầu qua gan. Acetylcystein được thải trừ qua thận với độ thanh thải của thận chiếm 30% độ thanh thải toàn thân. Thời gian bán thải của Acetylcystein là 6,25 giờ.

2.Dạng thuốc và hàm lượng của Acetylcystein như thế nào

Thuốc Acetylcystein được sản xuất trên thị trường với dạng thuốc và hàm lượng như:

  • Viên nang cứng 100mg, 200 mg.
  • Thuốc bột uống: 100mg, 200mg
  • Dung dịch thuốc hít qua miệng, thuốc nhỏ vào khí quản và thuốc uống: Dung dịch 10% (100 mg/ml), Dung dịch 20% (200 mg/ml).
  • Dung dịch tiêm đậm đặc: Dung dịch 20% (200 mg/ml) để pha dịch truyền.
  • Thuốc nhỏ mắt: Acetylcystein 5%, hypromelose 0,35%.

Brand name: Acemuc, ACC 200mg, Acemuc 100mg.

Generic: Acetyl max 200, Acetylcystein  200mg, Acetylcystein Boston 100, Acetylcystein Boston 200, Acetylcystein Stada 200 mg, Acetylcysteine Solution, USP, Acinmuxi, Acitys, Aecysmux, Aecysmux 200 Effer, Dismolan, Effer – Acehasan 100, Effer – Acehasan 200, Esomez, Euxamus 100, Euxamus 200, Exatus 200, Exomuc, Fasmuc, Fluidasa 100mg/5ml, Fluidasa 200mg, Fluimucil 300mg/3ml, Gargalex, Glotamuc, Hacimux 200, Hidonac,HP- Cetyl.Andonmuc, Arximuoc, Asicetyl 100, Asicetyl 200, Cadimusol, Cadimusol – 200mg, Cendemuc, Ceteco Damuc, Cetecoarsena, Codcerin AC 200, Becocystein, Beemecin, Besamux 100mg, Besamux 200mg, BromystSaVi 100, BromystSaVi 200.

3.Thuốc Acetylcystein dùng cho những trường hợp nào

Thuốc được sử dụng làm tiêu chất nhầy đờm trong bệnh lý đường hô hấp như viêm phế quản cấp và mạn tính, bệnh hen phế quản, khí phế thủng mãn tính, viêm họng, viêm phổi và trong bệnh tiết chất nhầy bất thường như Mucoviscidosis, xơ nang tuyến tụy.

Acetylcysteine được dùng làm thuốc giải độc trong quá liều paracetamol.

Acetylcysteine dùng tại chỗ trong việc điều trị hội chứng khô mắt như viêm kết giác mạc khô, hội chứng Sjogren kết hợp với tiết bất thường chất nhầy.

4.Cách dùng – Liều dùng của Acetylcystein như thế nào

Cách dùng: Thuốc Acetylcystein dạng viên được dùng bằng đường uống với nước lọc sau bữa ăn đều được. Thuốc bột hoà tan với nước trước khi uống.

Liều dùng cho đường uống:

Người lớn và trẻ em trên 6 tuổi: Uống 200 mg/lần x 3 lần/ngày.

Trẻ em từ 2 – 6 tuổi: Uống liều 200 mg/lần x 2 lần/ngày.

Giải độc quá liều Paracetamol: Liều khởi đầu 140mg/kg, liều tiếp theo là 70 mg/kg, cách 4 giờ uống một lần và uống thêm 17 lần nữa.

Liều dùng nhỏ mắt trong điều trị khô mắt có tiết chất nhầy bất thường: Dùng dung dịch 5% cùng với hypromellose,nhỏ 1-2 giọt x 3-4 lần mỗi ngày.

Tuy nhiên, tuỳ theo tình trạng diễn tiến của bệnh. Người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn liều lượng chỉ định và liệu trinhf điều trị của bác sĩ để đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả tốt nhất.

Cách dùng – Liều dùng của Acetylcystein

5.Cách xử lý nếu quên liều thuốc Acetylcystein

Nếu người bệnh quên một liều Acetylcystein, nên uống ngay khi nhớ ra trong ngày đó. Không dùng liều gấp đôi. Nếu gần đến thời giờ của liều tiếp theo, chỉ cần dùng liều tiếp theo vào đúng thời điểm đã lên kế hoạch điều trị.

6.Cách xử lý khi dùng quá liều thuốc Acetylcystein

Khi người bệnh dùng quá liều Acetylcystein thường có triệu chứng tương tự như triệu chứng của phản vệ nhưng nặng hơn nhiều như giảm huyết áp, suy hô hấp, đông máu rải rác nội mạch, tan máu và suy thận. Tử vong đã xảy ra ở người bệnh bị quá liều Acetylcystein trong khi đang điều trị ngộ độc Paracetamol. Quá liều Acetylcystein còn xảy ra khi tiêm truyền quá nhanh và với liều quá cao.

Xử trí: Nếu người bệnh có bất kỳ biểu hiện bất thường nào do quá liều, cần ngừng thuốc và được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn điều trị triệu chứng. Dùng biện pháp thích hợp để loại bỏ phần thuốc chưa được hấp thu ở dạ dày, ruột. Đồng thời theo dõi chặt chẻ và hỗ trợ các chức năng của người bệnh.

7.Những lưu ý thận trọng khi sử dụng thuốc Acetylcystein

Thuốc Acetylcystein không sử dụng cho những trường hợp như:

  1. Quá mẫn với dược chất Acetylcystein hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.
  2. Người bệnh hen phế quản
  3. Người có tiền sử co thắt phế quản.
  4. Trẻ em dưới 2 tuổi.

Thận trọng khi sử dụng thuốc Acetylcystein cho các trương hợp sau:

  • Theo dõi chặt chẽ người bệnh có tiền sử dị ứng khi dùng Acetylcystein, có nguy cơ phát hen, nếu xảy ra co thắt phế quản thì phải ngừng dùng Acetylcystein ngay và điều trị co thắc phế quản bằng cách dùng thuốc giãn phế quản dạng phun mù như Salbutamol hoặc Ipratropium.
  • Lưu ý khi điều trị Acetylcystein ở người bệnh giảm khả năng ho, vì có thể xuất hiện nhiều đờm loãng ở phế quản, cần phải hút để lấy đờm ra bằng dụng cụ thích hợp.
  • Thận trọng với người có nôn dữ dội khi uống thuốc Acetylcystein thì cần theo dõi chảy máu dạ dày hoặc giãn thực quản, loét dạ dày.
  • Lưu ý với phụ nữ có thai và phụ nữ đang cho con bú, việc điều trị quá liều Paracetamol bằng Acetylcystein ở người mang thai có đáp ứng hiệu quả và ngăn chặn được độc tính gây hại cho gan của thai nhi và gan của người mẹ. Vì vậy, có thể dùng Acetylcystein cho phụ nữ trong kỳ mang thai và dùng được cho phụ nữ trong thời kỳ cho con bú.
  • Acetylcystein không ảnh hưởng với những người đang lái tàu xe hoặc vận hành máy móc.

Lưu ý khi sử dụng thuốc

8.Thuốc Acetylcystein gây ra các tác dụng phụ nào

Theo giảng viên Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur tác dụng phụ thường gặp như buồn nôn, nôn khi dùng đường uống, buồn ngủ, nhức đầu, ù tai , viêm miệng, chảy nước mũi nhiều, phát ban, mày đay. Hiếm gặp như co thắt phế quản, phản ứng phản vệ toàn thân khi dùng đường truyền tĩnh mạch, sốt rét run, đỏ bừng, phù, tim đập nhanh, viêm miệng, chảy nước mũi nhiều, ran ngáy.

Tóm lại, trong quá trình sử dụng thuốc Acetylcystein, người bệnh có bất kỳ biểu hiện bất thường nào nghi ngờ rằng do sử dụng thuốc Acetylcystein thì cần tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế tư vấn để xử trí kịp thời.

9.Thuốc Acetylcystein tương tác với các thuốc nào

  • Các chất oxy hoá: Acetylcystein là một chất khử nên tương kỵ về lý học với các chất oxy hoá. Tránh phối hợp chung.
  • Các thuốc ho khác hoặc thuốc làm giảm bài tiết dịch ở phế quản: Không được dùng đồng thời các thuốc này trong thời gian điều trị bằng Acetylcystein.

Tóm lại, tương tác thuốc có thể làm thay đổi hiệu quả điều trị của thuốc hoặc làm nặng hơn các tác dụng phụ. Người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc tân dược của nhà sản xuất hoặc thông báo cho bác sĩ kê đơn biết những loại thuốc đang dùng có nguy cơ để giúp bác sĩ kê đơn hợp lý, an toàn và đạt hiệu quả điều trị.

10.Bảo quản thuốc Acetylcystein như thế nào

Acetylcystein bảo quản thuốc theo hướng dẫn của nhà sản xuất . Nhiệt độ bảo quản dưới 30°C, kho thoáng, tránh tiếp xúc trực tiếp ánh sáng mặt trời để đảm bảo giữ chất lượng thuốc.

DSCK1. NGUYỄN HỒNG DIỄM

Tài liệu tham khảo:

  1. Drugs.com: https://www.drugs.com/mtm/acetylcysteine.html
  2. Mims.com: https://www.mims.com/vietnam/drug/search?q=Acetylsystein

Xem thêm: duochocvietnam.edu.vn

Share this post