1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (3 votes, average: 2,33 out of 5)
Loading...
Chia sẻ:

Lovastatin Thuốc điều trị tăng mỡ máu và những lưu ý khi sử dụng

Lovastatin là thuốc được chỉ định điều trị tăng chlolesterol xấu trong máu như LDL – Cholesterol, triglycerid, giúp ngăn ngừa các biến chứng của bệnh lý tim mạch như đột quỵ, nhồi máu cơ tim và các cơn đau tim.

Lovastatin điều trị tăng lipid máu

1.Lovastatin là thuốc

DSCK1.NGUYỄN HỒNG DIỄM giảng viên Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cho biếtLovastatin là thuốc thuộc nhóm statin, có cấu trúc tương tự như HMG. Thuốc có tác dụng hạ cholesterol xấu trong máu thông qua cơ chế ức chế chọn lọc và cạnh tranh với enzyme HMG-CoA reductase, là enzym xúc tác chuyển đổi HMG-CoA thành acid mevalonic, một tiền thân sớm của cholesterol tại gan. Từ đó làm giảm tổng hợp cholesterol trong gan và làm giảm nồng độ cholesterol trong tế bào. Điều này kích thích làm tăng các thụ thể LDC-cholesterol trên màng tế bào gan, do đó làm tăng thải trừ LDL – cholesterol ra khỏi tuần hoàn.

Cùng với chế độ ăn kiêng, Lovastatin được sử dụng để giảm nồng độ cholesterol “xấu” trong máu như LDL – cholesterol, VLDL – cholesterol và triglyceride. Đồng thời làm tăng nồng độ cholesterol “tốt” như HDL – cholesterol.

Bình thường trong máu, cholesterol và triglycerid lưu thông dưới dạng các phân tử lipoprotein. Những phân tử lipoprotein chia ra thành các loại như lipoprotein trọng lượng phân tử cao (HDL – cholesterol), lipoprotein trọng lượng phân tử trung bình (IDL cholesterol), lipoprotein trọng lượng phân tử thấp (LDL – cholesterol) và lipoprotein trọng lượng phân tử rất thấp (VLDL – cholesterol). Cholesterol và triglycerides kết hợp lại thành VLDL ở gan. Từ gan VLDL được giải phóng vào máu để đi tới các mô ngoại vi.

Trên lâm sàng, khi tăng nồng độ cholesterol toàn phần, tăng LDL – cholesterol, tăng triglycerid và apolipoprotein B trong máu, làm tăng quá trình hình thành xơ vữa động mạch và tăng nguy cơ gây bệnh tim mạch như huyết khối động mạch, đột quỵ, nhồi máu cơ tim.

Do Lovastatin làm giảm nồng độ cholesterol “xấu” LDL – cholesterol và triglycerid trong máu và tăng nồng độ cholesterol “tốt” HDL – cholesterol, giúp phòng chống xơ vữa động mạch, giảm nguy cơ mắc các bệnh lý trên tim mạch.

Dược động học:

Lovastatin được hấp thu tốt qua đường tiêu hoá. Thức ăn làm thay đổi sinh khả dụng toàn thân của thuốc sau khi dùng đường uống. Sinh khả dụng tuyệt đối của Lovastatin là 5 %. Nồng độ đỉnh trong huyết tương đạt được khoảng từ 1 – 5 giờ sau khi uống.

Lovastatin tự do được phân bố chủ yếu vào gan, một lượng nhỏ được phân bố ở các mô ngoài gan như lách, thận, tuyến thượng thận, Lovastatin phân bố được qua hàng rào máu – não. Lovastatin gắn kết với protein huyết tương là 88 – 99 %, chủ yếu là albumin.

Lovastatin được chuyển hóa mạnh ở gan thành các chất chuyển hóa có hoạt tính, do hệ enzym microsom cytochrom P450 (CYP), chủ yếu do isoenzym 3A4 (CYP 3A4).

Lovastatin được đào thải chủ yếu qua phân khoảng 60 – 90 % liều uống và phần còn lại được thải trừ qua nước tiểu khoảng 2 – 20 % liều uống. Thời gian bán thải của Lovastatin khoảng 3 giờ. Thời gian tác động khoảng 4 đến 6 tuần sau khi ngưng điều trị liên tục.

2.Dạng thuốc và hàm lượng của Lovastatin

Thuốc tân dược Lovastatin được sản xuất trên thị trường dưới dạng thuốc và hàm lượng là:

Viên nén 10mg, 20mg, 40mg.

Viên nang cứng 10mg, 20mg, 40mg.

Brand name:

Generic: Lovacol, Rovacor, Lovarem Tablets, Lowsta, Basaterol 20mg, L Statin, Loctin, Lovastatin, Lovastatin Domesco, Dolopina, Vastanic, Hanlotin tab, Lovarem 20, Lovarem tablets, Lovastatin 20mg, Lovastatin 20mg, Vastanic 10, Vastanic 20.

3.Thuốc Lovastatin được dùng cho những trường hợp nào

1.Điều trị rối loạn lipid máu:

Lovastatin được chỉ định bổ trợ cho chế độ ăn uống để giảm nồng độ cholesterol toàn phần, LDL – cholesterol, apolipoprotein B và triglycerid và giúp làm tăng HDL – cholesterol trong huyết tương ở người bệnh tăng cholesterol máu tiên phát, người rối loạn lipid máu hỗn hợp hoặc ở người tăng cholesterol máu có tính chất gia đình đồng hợp tử và người tăng triglycerid máu.

2.Phòng ngừa biến cố tim mạch:

Lovastatin được chỉ định bổ trợ cho chế độ ăn uống để dự phòng tiên phát ở người bệnh có mức LDL – cholesterol trong máu bình thường hoặc tăng trung bình và và HDL – cholesterol dưới mức trung bình, nhằm giảm nguy cơ biến cố mạch vành cấp như nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực không ổn định hoặc đột quỵ.

Lovastatin được chỉ định bổ trợ cho chế độ ăn uống để dự phòng thứ phát ở người bệnh có mức LDL – cholesterol trong máu tăng cao, đã có biểu hiện lâm sàng về bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực trước đó, nhằm làm giảm nguy cơ tử vong do mạch vành, do nhồi máu cơ tim, do đột quỵ hoặc cơn thiếu máu cục bộ thoảng qua, phải nằm viện do suy tim sung huyết, và giảm nguy cơ phải tiến hành thủ thuật tái tạo mạch vành.

3.Phòng ngừa tai biến tim mạch ở người bệnh đái tháo đường:

Lovastatin được sử dụng để bổ trợ chế độ ăn uống nhằm làm giảm nồng độ cholesterol toàn phần và LDL- cholesterol cao trong máu và giảm nguy cơ tai biến bệnh tim mạch ở người bệnh đái tháo đường có hoặc không có triệu chứng lâm sàng mắc bệnh tim mạch và có tăng cholesterol máu.

4.Làm chậm tiến triển xơ vữa mạch vành:

Lovastatin được dùng để bổ trợ cho chế độ ăn ở người tăng cholesterol máu có biểu hiện lâm sàng bệnh động mạch vành kèm nhồi máu cơ tim trước đó và giúp làm chậm quá trình tiến triển xơ vữa mạch vành.

Lipid máu tăng cao dẫn đến nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim

4.Cách dùng – Liều lượng của Lovastatin

1.Cách dùng: Lovastatin dạng viên được dùng đường uống vào bữa ăn tối để tăng hiệu quả của thuốc, vì tổng hợp cholesterol ở gan xảy ra chủ yếu ban đêm.

2.Liều dùng:

  • Người lớn: Liều khởi đầu: Uống 20 mg/lần/ngày, uống vào bữa ăn tối. Nếu cần và người bệnh vẫn dung nạp thì điều chỉnh liều 4 tuần một lần. Liều duy trì: Uống 20 – 80 mg/ ngày, uống một lần hoặc hai lần/ngày, uống vào bữa ăn tối. Liều tối đa cho người lớn khuyến cáo là 80mg/ngày.
  • Người bệnh đang điều trị ức chế miễn dịch: Liều khởi đầu: Uống 10 mg/lần/ngày, và không vượt quá 20 mg/ngày. Uống vào bữa ăn tối.

Lưu ý, nước ép bưởi làm tăng sinh khả dụng của Atorvastatin, Lovastatin, Simvastatin, làm tăng nguy cơ bệnh đau cơ.

Tóm lại, tuỳ thuộc vào mức độ diễn tiến của bệnh, người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn liều chỉ định, cách dùng thuốc và liệu trình điều trị của bác sĩ kê đơn đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả.

5.Cách xử lý nếu quên liều thuốc Lovastatin

Nếu người bệnh quên một liều Lovastatin nên uống ngay khi nhớ ra trong ngày đó. Không dùng liều gấp đôi. Nếu gần đến giờ uống của liều thuốc tiếp theo, chỉ cần dùng liều tiếp theo vào đúng giờ đã lên kế hoạch.

6.Cách xử lý khi dùng quá liều thuốc Lovastatin

Hiện nay chưa có dữ liệu chứng minh người bệnh dùng quá liều Lovastatin có biểu hiệu lâm sàng nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu người bệnh có bất kỳ biểu hiện triệu chứng bất thường nào do dùng thuốc quá liều, phải ngừng thuốc ngay và đưa đến bệnh viện gần nhất để được điều trị triệu chứng.

7.Những lưu ý thận trọng khi sử dụng thuốc Lovastatin

1.Thuốc Lovastatin không được dùng cho những trường hợp sau:

  1. Người có tiền sử mẫn cảm với Lovastatin hoặc với các chất ức chế HMG-CoA reductase hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.
  2. Phụ nữ có thai.
  3. Phụ nữ cho con bú.
  4. Người bệnh gan hoạt động hoặc transaminase huyết thanh tăng dai dẳng mà không biết nguyên nhân.

2.Thận trọng khi sử dụng thuốc Lovastatin cho những trường hợp sau:

  • Lưu ý trước và trong khi điều trị bằng Lovastatin, người bệnh phải kết hợp với các biện pháp như chế độ ăn, giảm cân, tập thể dục và điều trị các bệnh là nguyên nhân của tăng lipid máu, để nồng độ cholesterol máu đạt mức mong muốn.
  • Lưu ý theo dõi và xét nghiệm nồng độ LDL – cholesterol trong máu định kỳ và điều chỉnh liều lượng theo đáp ứng của người bệnh với thuốc Lovastatin.
  • Thận trọng khi sử dụng Lovastatin ở người bênh gan, người uống nhiều rượu: Vì Lovastatin coá thể gây tổn thương gan nặng. Cần theo dõi và xét nghiệm định kỳ chức năng gan trong thời gian điều trị.
  • Thận trọng khi sử dụng Lovastatin ở người bệnh có nguy cơ tiêu cơ vân nặng hoặc gây tử vong như người nhiễm độc cơ xương, người cao tuổi, người da đen, người đang dùng thuốc độc cho cơ, người suy giảm chức năng thận, người suy giáp. Vì Lovastatin làm tăng tác dụng phụ tiêu cơ vân nặng, có thể gây tử vong. Cần theo dõi và xét nghiệm nồng độ CK huyết thanh trước khi bắt đầu liệu pháp statin.
  • Lưu ý với phụ nữ có thai, Lovastatin làm giảm tổng hợp cholesterol và có thể cả nhiều chất khác có hoạt tính sinh học dẫn xuất từ cholesterol, thuốc có thể gây tác dụng có hại cho thai nhi khi dùng cho phụ nữ mang thai. Khuyến cáo không dùng Lovastatin cho phụ nữ trong thời kỳ mang thai.
  • Lưu ý với phụ nữ cho con bú, Lovastatin được bài tiết qua sữa mẹ ở nồng độ nhất định, có thể gây tác dụng không mong muốn nghiêm trọng cho trẻ nhỏ đang bú sữa mẹ. Khuyến cáo không dùng Lovastatin cho phụ nữ trong thời kỳ cho con bú.
  • Lưu ý ở người lái xe và vận hành máy móc, vì Lovastatin có thể gây tác dụng không mong muốn như đau đầu, chóng mặt.

8.Thuốc Lovastatin gây ra các tác dụng phụ nào

  1. Thương gặp: Đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, táo bón, đầy hơi, đau đầu, chóng mặt, nhìn mờ, mất ngủ, suy nhược, đau cơ, đau khớp.
  2. Ít gặp: Bệnh cơ, yếu cơ, tăng hàm lượng creatin phosphokinase huyết tương (CPK), ban da, viêm mũi, viêm xoang, viêm họng, ho.
  3. Hiếm gặp: Suy giảm nhận thức như mất trí nhớ, lú lẫn, viêm cơ, tiêu cơ vân, dẫn đến suy thận cấp thứ phát do myoglobin niệu, tăng HbA1c, tăng nồng độ glucose huyết tương lúc đói, tăng nguy cơ phát triển đái tháo đường.

Trong quá trình sử dụng thuốc Lovastatin, người bệnh có bất kỳ biểu hiện bất thường nào nghi ngờ rằng do sử dụng thuốc Lovastatin thì cần tham khảo ý kiến hướng dẫn của bác sĩ tư vấn để xử trí kịp thời.

Lovastatin gây tác dụng phụ tiêu cơ vân

9.Lovastatin tương tác với các thuốc nào

Cyclosporin, Erythromycin, Gemfibrozil, Itraconazol, Ketoconazol, Niacin, các dẫn chất acid fibric khác như Fenofibrat (trừ Gemfibrozil), Colchicin: Khi được dùng chung với Lovastatin nguy cơ tăng viêm cơ và tiêu cơ vân. Do các thuốc Cyclosporin, Erythromycin, Gemfibrozil, Itraconazol, Ketoconazol, ức chế enzyme cytochrom CYP3A4 chuyên hoá thuốc, làm tăng nồng độ Lovastatin trong huyết tương, hoặc do với niacin ở liều hạ lipid > 1 g/ngày.

Thuốc ức chế protease HIV:  Chống chỉ định dùng phối hợp với Lovastatin.

Efavirenz, Etravirin, Nevirapin: Làm thay đổi nồng độ thuốc hạ lipid huyết trong huyết tương của Lovastatin khi được dùng đồng thời.

Boceprevir, Telaprevir: Làm tăng nồng độ Lovastatin trong huyết tương, tăng tác dụng hạ lipid huyết, dẫn đến tăng độc tính như đau cơ, tiêu cơ vân. Tránh phối hợp đồng thời Boceprevir hoặc Telaprevir với Lovastatin.

Amiodaron: Làm tăng nồng độ Lovastatin trong huyết tương, dẫn đến tăng độc tính như đau cơ, tiêu cơ vân khi được dùng chung. Cần giảm liều Lovastatin.

Diltiazem: Làm tăng nồng độ Lovastatin trong huyết tương, dẫn đến tăng độc tính như đau cơ, tiêu cơ vân, suy thận khi được dùng chung. Cần giảm liều Lovastatin.

Warfarin: Khi dùng chung với Lovastatin, làm tác dụng của Warfarin. Cần kiểm tra thời gian prothrombin trước khi dùng Lovastatin và theo dõi điều trị trong giai đoạn đầu để bảo đảm không có thay đổi nhiều về thời gian prothrombin.

Các nhựa gắn acid mật: Làm giảm sinh khả dụng của Lovastatin khi uống cùng. Nều cần dùng chung, phải dùng 2 thuốc này phải cách xa nhau ít nhất hai giờ.

Gemfibrosil: Tránh phối hợp chung với Lovastatin.

Thực phẩm nước ép bưởi: Làm tăng sinh khả dụng của Lovastatin, tăng nguy cơ bệnh đau cơ, tiêu cơ vân. Tránh dùng chung.

Tóm lại, tương tác thuốc có thể làm thay đổi hiệu qủa điều trị của thuốc hoặc làm tăng tác dụng phụ nặng hơn. Người bệnh đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc hoặc thông báo cho bác sĩ biết những loại thuốc đang dùng có nguy cơ giúp bác sĩ kê đơn hợp lý, đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả trong điều trị.

10.Bảo quản Lovastatin như thế nào

Ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ Cao đẳng Dược: Lovastatin được bảo quản thuốc theo hướng dẫn khuyến cáo của nhà sản xuất. Nhiệt độ bảo quản dưới 30°C, khô ráo, tránh ánh sáng trực tiếp của mặt trời để đảm bảo giữ chất lượng thuốc. Tránh xa tầm tay trẻ em.

DSCK1. NGUYỄN HỒNG DIỄM

Tài liệu tham khảo:

  1. Drugs.com: https://www.drugs.com/mtm/lovastatin.html
  2. Mims.com: https://www.mims.com/vietnam/drug/search?q=Lovastatin

Xem thêm: duochocvietnam.edu.vn

Share this post