1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (4 votes, average: 3,00 out of 5)
Loading...
Chia sẻ:

Xoa bóp bấm huyệt chữa thiểu năng tuần hoàn não

Trong Y học cổ truyền thiểu năng tuần hoàn não được điều trị bằng nhiều phương pháp trong đó phương pháp xoa bóp bấm huyệt vừa đơn giản lại đem lại hiệu quả điều trị bệnh.

Nguyên nhân và biểu hiện của thiểu năng tuần hoàn não?

Thiểu năng tuần hoàn não là tình trạng thiếu máu cung cấp cho não, bệnh có thể gặp ở nhiều lứa tuổi, phổ biến nhất ở người lao động trí óc và người cao tuổi. Nguyên nhân chính là do xơ vữa các động mạch nuôi não, co cứng các cơ vùng cổ gáy cũng gây cản trở máu lưu thông lên não…

Thiểu năng tuần hoàn não thường biểu hiện với các triệu chứng như: Nhức đầu, chóng mặt, dị cảm, rối loạn về giấc ngủ, rối loạn về sự chú ý, rối loạn về cảm xúc…

Xoa bóp bấm huyệt chữa thiểu năng tuần hoàn não

Tùy triệu chứng của thiểu năng tuần hoàn não mà lựa chọn cách xoa bóp thích hợp sau đây:

Nếu thường xuyên nhức đầu, có cảm giác nặng trong đầu, đau vùng chẩm gáy, chóng mặt ù tai sau khi làm việc căng thẳng, tiến hành xoa xát và ấn huyệt sau:

Xoa xát: Dùng bàn tay xát trán 5-10 lần (tốc độ vừa phải), sau đó dùng 10 đầu ngón tay trải da đầu từ trán ra sau gáy 5-10 lần, tiếp đến dùng bàn tay xát gáy 5-10 lần.

Ấn huyệt: bách hội, phong trì (thời gian khoảng 2-3 phút) kết hợp thở chậm.

Huyệt phong trì

Nếu hay tỉnh dậy lúc nửa đêm, giảm trí nhớ hoặc thường xuyên quên những việc mới xảy ra:

Xoa xát lòng bàn chân: dùng lòng bàn tay xát lòng bàn chân 20-30 lần.

Ấn huyệt: nội quan, thần môn (thời gian ấn mỗi huyệt 2-3 phút.

Nếu dễ xúc động, dễ nổi nóng, căng thẳng thần kinh, mệt mỏi:

Ấn huyệt: thái xung, tam âm giao.

Nếu giảm khả năng làm việc, chậm chạp:

Ấn huyệt: túc tam lý.

Cách tự xoa bóp ấn huyệt trên có mục đích là giúp người bệnh tự giải quyết những triệu chứng lâm sàng. Tuy nhiên, khi bệnh nặng, cần kiểm tra và điều trị tại bệnh viện.

Vị trí huyệt:

Huyệt bách hội: cách đường chân tóc phía sau 7 tấc, tại điểm giữa đường nối vòng hai chóp tai.

Huyệt phong trì: ở chỗ lõm giữa cơ ức – đòn – chũm và phần trên cơ thang.

Huyệt thái xung: Ở kẽ ngón chân 1 và 2 cách mép da 2 tấc.

Huyệt thần môn: về phía trụ của cổ tay, ở bờ sau xương đậu, tại chỗ lõm về phía quay của gân cơ trụ trước.

Huyệt tam âm giao: Trên chỏm mắt cá chân trong 3 tấc, sát phía sau bờ xương chày.

Huyệt nội quan: trên lằn chỉ cổ tay 2 tấc, giữa các gân cơ gan tay lớn và gân cơ gan tay nhỏ.

Huyệt túc tam lý: cách mào chày 1 khoát ngón tay về phía ngoài.

Share this post