1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (3 votes, average: 2,33 out of 5)
Loading...
Chia sẻ:

Atenolol thuốc điều trị tăng huyết áp và những lưu ý khi sử dụng

Atenolol là thuốc tác dụng làm chậm nhịp tim, thư giãn mạch máu, cải thiện sự lưu thông máu trong động mạch vành, giúp giảm huyết áp, bảo vệ cơ timgiảm nguy cơ các biến chứng của đau thắt ngực.

Atenolol là thuốc làm hạ huyết áp, làm chậm nhịp tim

1.Atenolol là thuốc

DSCK1.NGUYỄN HỒNG DIỄM giảng viên Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cho biết: Atenolol là thuốc hạ huyết áp bằng cách chẹn chọn lọc thụ thể beta1-adrenergic, giúp làm giãn mạch máu và làm chậm nhịp tim. Atenolol không có hoạt tính giao cảm nội tại và không có đặc tính ổn định màng tế bào. Ở liều thấp Atenolol có tác dụng ức chế chọn lọc thụ thể beta1– adrenergic trên tim mà ít tác dụng trên mạch máu và cơ trơn khí quản. Ở liều cao trên 100 mg/ngày, Atenolol sẽ phong bế cạnh tranh trên cả 2 thụ thể beta1-adrenergic và beta2-adrenergic.

Atenolol ức chế chọn lọc thụ thể beta1- adrenergic trên tim, dẫn đến làm chậm nhịp xoang và giảm sức co bóp của tế bào cơ tim. Liều cao, Atenolol có thể gây ngừng nhịp xoang trên những bệnh nhân có hội chứng nút xoang yếu. Atenolol cũng làm giảm sự dẫn truyền nút nhĩ thất, làm giam các cơn co thắt tâm thất. Với các tác dụng trên, từ đó Atenolol ức chế tác dụng của catecholamin khi hoặt động thể dục gắng sức hoặc căng thẳng tâm lý, dẫn đến làm giảm tần số tim, giảm cung lượng tim, giảm tiêu thụ oxy cơ tim và giảm huyết áp.

Trên lâm sàng, Atenolol được sử dụng để điều trị tăng huyết áp, nhịp xoang nhanh, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim cấp, loạn nhịp thất và trên thất. Atenolol cũng được dùng để phòng ngừa chứng đau nửa đầu, góp phần thuyên giảm căng thẳng, lo âu và cân bằng cảm xúc của bệnh nhân. Hoặc Atenolol kết hợp với Benzodiazepin để kiểm soát hội chứng cai rượu cấp.

Dược động học:

Thuốc tân dược  Atenolol được hấp thu qua đường tiêu hoá thấp khoảng 50% liều uống, sinh khả dụng toàn thân khoảng 50%. Thời gian thuốc đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương là 2 – 4 giờ sau khi uống.

Atenolol có tính tan chủ yếu trong nước nên rất ít phân bố qua hàng rào máu và ít gây rối loạn giấc ngủ hơn các thuốc chẹn beta tan trong lipid khác. Tỷ lệ gắn kết với protein huyết tương của Atenolol thấp khoảng 3%. Thể tích phân bố tương đối khoảng 0,7 l/kg.

Atenolol được chuyển hóa một lượng nhỏ ở gan khoảng dưới 10% của liều dùng thành chất chuyển hóa được bài tiết. Atenolol được qua thận khoảng 90% liều dùng dưới dạng không thay đổi, một lượng nhỏ còn lại được bài tiết qua phân. Thời gian bán thải của Atenolol từ 6 – 7 giờ ở người lớn có chức năng thận bình thường. Nửa đời của thuốc ở trẻ em khoảng 4 – 6 giờ. Ở người cao tuổi có thời gian bán thải của thuốc dài hơn.

2.Dạng thuốc và hàm lượng của Atenolol

Atenolol được sản xuất trên thị trường dưới dạng thuốc và hàm lượng là

Viên nén bao phim: 25mg, 50mg, 100 mg.

Thuốc tiêm tĩnh mạch: 5 mg/10 ml.

Viên nén dạng phối hợp: 50 mg Atenolol và 12,5 mg Clorthalidon; 50 mg Atenolol và 25 mg Clorthalidon; 100 mg Atenolol và 25 mg Clorthalidon; 50 mg Atenolol và 5 mg Amlodipin.

Brand name: Tenormin.

Generic: Tevanolol, Tracemic, Aginolol 50,  Atefulton 50mg, Atena, Atenolol, Atenolol 50mg, Atenolol actavis, Atenolol Stada 50 mg, Atenolol-AQP, Betacard-50, Donolol 50 mg, Glotenol, Ipcatenolol-50, Pharmaniaga Atenolol, Teginol 50, Tenocar 100, Tenocar 50, Tevanolol, Stadnolol, Atenolol, Aginolol 50, Anol, Atefulton, Atena, Betacard-50, Donolol, Ipcatenolon-50, NDC-Atenolol 50, Osacadi, Pharmaniaga Atenolol, Sefmeloc, Teginol 50, Tenocar, Tenolan.

3.Thuốc Atenolol được dùng cho những trường hợp nào

  1. Ðiều trị tăng huyết áp.
  2. Ðiều trị đau thắt ngực ổn định.
  3. Ðiều trị và dự phòng nhồi máu cơ tim cấp.
  4. Ðiều trị cơn nhịp nhanh thất và trên thất.
  5. Ðiều trị loạn nhịp tim.
  6. Dự phòng chứng đau nửa đầu.
  7. Dùng phối hợp với Benzodiazepin để kiểm soát hội chứng cai rượu cấp.

Cơn đau thắt ngực ổn định gây đau kiểu thắt chặt, căng tức, có áp lực ở ngực

4.Cách dùng – Liều lượng của Atenolol

Cách dùng: Thuốc Atenolol dạng viên dùng bằng đường uống với nước lọc trược bữa ăn. Thuốc tiêm dùng tiêm tĩnh mạch chậm.

Liều dùng:

Người lớn:

Điều trị tăng huyết áp: Liều uống khởi đầu là 25 – 50 mg/lần/ngày. Sau 1 – 2 tuần có thể tăng liều lên 100 mg/lần/ngày theo đáp ứng của người bệnh.

Điều trị đau thắt ngực: Liều uống khởi đầu là 50 mg/lầnngày. Sau 1 tuần có thể tăng liều lên 100 mg/lầnngày theo đáp ứng của người bệnh.

Điều trị loạn nhịp tim: Khởi đầu tiêm tĩnh mạch chậm với liều 2,5 – 5 mg trong 2 – 5 phút. Nếu dung nạp tốt, cứ 2 – 10 phút lại thêm 2,5 mg – 5 mg tiêm tĩnh mạch chậm cho đến khi đạt tổng liều 10 mg trong 10 – 15 phút. Liều uống duy trì là 50 – 100 mg/lần/ngày.

Điều trị nhồi máu cơ tim cấp, giai đoạn sớm:  Khởi đầu tiêm tĩnh mạch chậm với liều 2,5 – 5mg trong vòng 2 – 5 phút. Nếu dung nạp tốt, cứ 2 – 10 phút lại thêm 2,5 mg – 5 mg tiêm tĩnh mạch chậm cho đến khi đạt tổng liều 10 mg trong 10 – 15 phút. Liều uống duy trì là 50 mg/lần/ngày và nhắc lại 50 mg nữa sau 12 giờ. Liều uống được duy trì trong 6 ngày đến 9 ngày hoặc đến khi xuất hiện như nhịp chậm hoặc huyết áp hạ.

Dự phòng chứng đau nửa đầu: Liều uống là 50 – 100 mg/lần/ngày.

Người bệnh suy giảm chức năng thận: Cần giảm liều hoặc kéo dài khoảng cách giữa các liều như các trường hợp sau:

Độ thanh thải Creatinin (CC) = 15–35 ml/phút: Liều uống tối đa là 50 mg/lần/ngày hoặc Liều tiêm tĩnh mạch chậm là 10mg/lần/ngày, cách 2 ngày tiêm một lần.

Độ thanh thải Creatinin (CC) < 15 ml/phút: Liều uống tối đa là 25 mg/lầnngày, hoặc Liều uống 50 mg/lần/ngày, uống cách ngày.

Bệnh nhân thấm phân máu: Liều uống là 25 – 50 mg/lần/ngày, uống sau mỗi lần thấm phân.

Tóm lại, tuỳ thuộc vào mức độ diễn tiến của bệnh, người bệnh cần tuân thủ theo liều chỉ định, cách dùng thuốc và thời gian điều trị của bác sĩ để đảm bảo an toàn và hiệu quả.

5.Cách xử lý nếu quên liều thuốc Atenolol

Nếu người bệnh quên một liều Atenolol nên uống ngay khi nhớ ra trong ngày đó. Không dùng liều gấp đôi. Nếu gần đến giờ uống của liều thuốc tiếp theo, người bệnh chỉ cần dùng liều thuốc tiếp theo vào đúng giờ như đã lên kế hoạch điều trị.

6.Cách xử lý khi dùng quá liều thuốc Atenolol

Người bệnh dùng quá liều Atenolol có thể gây những triệu chứng lâm sàng như nhịp tim chậm, hạ huyết áp, suy tim cấp tính và co thắt phế quản.

Xử trí: Nếu người bệnh có bất kỳ triệu chứng bất thường nào do dùng thuốc quá liều trong thời gian điều trị, cần phải ngừng thuốc. ngay và được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị triệu chứng thích hợp theo phát đồ của bệnh viện. Đồng thời dùng than hoạt loại bỏ thuốc ra khỏi đường tiêu hoá nếu dùng đường uống. Nâng huyết áp lên bằng huyết tương hoặc chất thay thế huyết tương. Hoặc dùng phương pháp thẩm tách máu hoặc truyền tách máu. Tích cực theo dõi các dấu hiệu sinh tồn của người bệnh như huyết áp, nhịp tim, chức năng thận, cân bằng nước và chất điện giải.

7.Những lưu ý thận trọng khi sử dụng thuốc Atenolol

1.Thuốc Atenolol không được dùng cho những trường hợp sau:

  1. Người có tiền sử mẫn cảm với Atenolol hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.
  2. Người bị nhiễm acid chuyển hóa.
  3. Người bệnh hạ huyết áp hoặc huyết áp thấp.
  4. Người bệnh rối loạn tuần hoàn ngoại biên nặng.
  5. Người bệnh hen suyễn nặng.
  6. Người bệnh bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) nặng.
  7. Người bệnh u tế bào ưa crôm chưa điều trị.
  8. Người bệnh chậm nhịp xoang < 50 lần/phút trước khi bắt đầu điều trị.
  9. Người bệnh blốc nhĩ thất trên độ 1, sốc tim.
  10. Người bệnh suy tim thấy rõ hoặc suy tim mất bù.
  11. Người bệnh có phối hợp với Verapamil.

Atenolol không được dùng cho người bệnh hen suyễn nặng

2.Thận trọng khi sử dụng thuốc Atenolol cho những trường hợp sau:

  • Lưu ý không nên ngưng dùng thuốc Atenolol một cách đột ngột. Vì nếu ngừng thuốc đột ngột có thể làm nặng thêm triệu chứng đau thắt ngực, thúc đấy nhồi máu cơ tim và loạn nhịp thất trên những bệnh nhân có kèm bệnh mạch vành hoặc làm nặng thêm hội chứng tuyến giáp trên người bệnh nhiễm độc giáp.
  • Lưu ý thận trọng khi sử dụng thuốc Atenolol ở người bệnh hen phế quản hay bệnh phổi tắc nghẽn. Vì Atenolol ức chế sự giãn cơ trơn khí quản gây ra bởi các catecholamin nội sinh, Tuy nhiên, do Atenolol chẹn chọn lọc trên beta1-adrenergic, nên Atenolol được dùng thận trọng và theo dõi chặt chẻ với những bệnh nhân co thắt khí phế quản khi không đáp ứng hoặc không dung nạp với thuốc hạ huyết áp khác.
  • Lưu ý theo dõi thận trọng khi sử dụng thuốc Atenolol ở những người bệnh đặc biệt như bệnh đái tháo đường nghiêm trọng, người bệnh theo chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt trong thời gian dài và những bệnh nhân có hoạt động gắng sức có nguy cơ hạ đường huyết nghiêm trọng, người bệnh bị u tế bào ưa crôm, khối u tủy thượng thận, người bệnh đã được chỉ định điều trị bằng các thuốc chẹn alpha trước đó.
  • Lưu ý thận trọng khi sử dụng thuốc Atenolol ở người bệnh suy giảm chức năng thận.
  • Lưu ý thận trọng khi sử dụng thuốc Atenolol ở người bệnh có tiền sử hoặc tiền sử gia đình bệnh vảy nến.
  • Lưu ý với phụ nữ mang thai, Atenolol được phân bố qua nhau thai và xuất hiện trong máu của dây rốn, có thể gây hại cho thai nhi trong ba tháng đầu của thai kỳ và làm giảm tưới máu đến nhau thai có thể dẫn đến thai lưu trong tử cung và sinh non. Khuyến cáo không dùng Atenolol cho phụ nữ đang trong thai kỳ. Trên lâm sàng, Atenolol đã được sử dụng dưới sự theo dõi chặt chẽ trong điều trị tăng huyết áp nhẹ đến trung bình ở phụ nữ mang thai trong 3 tháng cuối của thai kỳ.
  • Lưu ý với phụ nữ cho con bú, Atenolol bài tiết vào sữa mẹ với tỷ lệ gấp 1,5 – 6,8 lần so với nồng độ thuốc trong huyết tương người mẹ, gây tác hại cho trẻ khi bú sữa mẹ như như chậm nhịp tim, giảm glucose huyết có ý nghĩa lâm sàng đặc biệt xảy ra ở trẻ đẻ non hoặc trẻ suy thận. Khuyến cáo không dùng thuốc Atenolol cho người mẹ đang cho con bú.
  • Lưu ý với người đang lái xe, vận hành máy móc và người làm việc trên cao, vì thuốc Atenolol có thể gây ra tác dụng phụ chóng mặt, thay đổi sự tỉnh táo, giảm khả năng lái xe, vận hành máy móc hoặc làm việc trên cao không có bảo hộ chắc chắn.

8.Thuốc Atenolol gây ra các tác dụng phụ nào

  1. Thường gặp: Buồn nôn, tiêu chảy, yếu cơ, mệt mỏi, lạnh, ớn lạnh các đầu chi, chậm nhịp tim, blốc nhĩ thất độ II, III và hạ huyết áp.
  2. Ít gặp: Rối loạn giấc ngủ, rối loạn chức năng tình dục.
  3. Hiếm gặp: Chóng mặt, nhức đầu, rụng tóc, phát ban da, phản ứng giống như vảy nến, làm trầm trọng thêm bệnh vảy nến, ban xuất huyết, khô mắt, rối loạn thị giác, ác mộng, ảo giác, trầm cảm, lo lắng, bệnh tâm thần, giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu, làm trầm trọng thêm bệnh suy tim, blốc nhĩ – thất, hạ huyết áp tư thế, ngất.

Tóm lại, trong quá trình sử dụng thuốc Atenolol, người bệnh có bất kỳ triệu chứng bất thường nào nghi ngờ rằng do sử dụng thuốc Atenolol thì cần xin ý kiến của bác sĩ điều trị tư vấn để xử trí kịp thời.

9.Thuốc Atenolol tương tác với các thuốc nào

Thuốc hạ huyết áp khác, thuốc giãn mạch, thuốc lợi tiểu, thuốc chống trầm cảm 3 vòng, barbiturat, phenothiazin: Làm tăng tác dụng hạ huyết áp của Atenolol khi được sử dụng đòng thời. Cần theo dõi hiệu chỉnh liều.

Thuốc chống loạn nhịp tim như Quinidin, Procainamide, Lidocaine, Flecainide, Amiodarone, Sotalol, Ibutilide, Propranolol : Làm tăng tác động ức chế tim của Atenolol khi được sử dụng đồng thời với Atenolol.

Nifedipin: Làm tăng tác dụng hạ huyết áp và có thể tiến triển suy tim khi được dùng chung với Atenolol.

Thuốc đối kháng calci như Verapamil, Diltiazem, Nifedipin, Amlodipin; Hydralazin; Methyldopa; hoặc thuốc chống loạn nhịp khác như disopyramid: Làm tăng tác dụng hạ huyết áp, tăng tác dụng làm chậm nhịp tim khi được dùng chung với Atenolol. Cần theo dõi chặt chẻ bệnh nhân trong điều trị.

Glycosid tim, Reserpin, Alpha-methyldopa, Guanfacin: Làm tăng tác dụng chậm nhịp tim, trì hoãn dẫn truyền xung lực tim khi được sử dụng đồng thời với Atenolol.

Clonidin: Ngưng Clonidin đột ngột khi dùng chung với Atenolol có thể làm trầm trọng tăng huyết áp, vì vậy cần ngừng Atenolol vài ngày trước khi ngừng Clonidin.

Thuốc điều trị đái tháo đường dạng uống, insulin: Atenolol làm tăng tác động hạ đường huyết. Các dấu hiệu báo trước hạ đường huyết như nhịp tim nhanh, run bị che lấp hay giảm nhẹ. Cần kiểm tra đường huyết thường xuyên khi phối hợp trong điều trị.

Noradrenalin, Adrenalin: Làm tăng huyết áp quá mức khi được sử dụng đồng thời với Atenolol.

Indomethacin: Làm giảm tác dụng hạ huyết áp của Atenolol khi được sử dụng đồng thời với Atenolol.

Thuốc gây mê, thuốc gây tê: Làm tăng tác dụng hạ huyết áp, gia tăng tác động hướng cơ âm tính khi được sử dụng đồng thời với Atenolol. Cần báo cho bác sĩ gây mê về việc đang sử dụng Atenolol.

Thuốc giãn cơ ngoại vi như Succinylcholin halid, Tubocurarin: Atenolol làm tăng và kéo dài tác động giãn cơ khi được sử dụng đồng thời với Atenolol.

Tóm lại, tương tác thuốc có thể làm thay đổi hiệu quả điều trị của thuốc hoặc làm tăng tác dụng phụ nghiêm trọng hơn. Người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc của nhà sản xuất trước khi dùng hoặc thông báo cho bác sĩ biết những loại thuốc đang dùng có nguy cơ để giúp bác sĩ kê đơn hợp lý, an toàn và đạt hiệu quả trong điều trị.

10.Bảo quản Atenolol như thế nào

Ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ Cao đẳng Dược: Atenolol được bảo quản thuốc theo hướng dẫn khuyến cáo của nhà sản xuất. Nhiệt độ bảo quản dưới 30°C, tránh ẩm, tránh ánh sáng mặt trời để đảm bảo giữ chất lượng thuốc. Để xa tầm tay trẻ em.

DSCK1. NGUYỄN HỒNG DIỄM

Tài liệu tham khảo:

  1. Drugs.com: https://www.drugs.com/atenolol.html
  2. Mims.com: https://www.mims.com/vietnam/drug/search?q=Atenolol

XEM THÊM: DUOCHOCVIETNAM.EDU.VN

Share this post