1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (3 votes, average: 2,33 out of 5)
Loading...
Chia sẻ:

Cefdinir thuốc điều trị nhiễm khuẩn và những lưu ý khi sử dụng

Cefdinir là thuốc kháng sinh có tác dụng diệt khuẩn, được chỉ định điều trị các bệnh lý nhiễm khuẩn như nhiễm khuẩn như viêm phổi, viêm phế quản, viêm xoang, viêm tai giữa, nhiễm trùng da.

Cefdinir là thuốc điều trị các bệnh lý do nhiễm vi khuẩn

1.Cefdinir là thuốc

DSCK1.NGUYỄN HỒNG DIỄM giảng viên Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cho biết: Cefdinir là kháng sinh nhóm Cephalosporin thế hệ, có tác dụng diệt vi khuẩn bằng cách ức chế quá trình tổng hợp của thành tế bào vi khuẩn. Thuốc Cefdinir tác động trên nhiều loại vi khuẩn gram âm và gram dương.

Phổ kháng khuẩn:

Cefdinir có phổ tác dụng phần lớn trên các chủng vi khuẩn Gram âm và vi khuẩn Gram dương, đặc biệt Cefdinir có hiệu quả tốt trên các loại vi khuẩn gram (+) như: Staphylococcus sp., Streptococcus sp. đã kháng với những kháng sinh thuộc nhóm cephalosporin uống khác đã có từ trước. Cefdinir không bị ảnh hưởng bởi các loại enzyme bêta-lactamase.

Vi khuẩn Gram dương:

Staphylococcus epidermidis kể cả chủng vi khuẩn sản sinh β- lactamase nhưng phải nhạy cảm với Methicillin, Staphylococcus aureus, Streptococcus pneumoniae, Streptococcus pyogenes nhạy với penicillin.

Vi khuẩn Gram âm:

Haemophilus influenzae, Haemophilus parainfluenzae, Moraxella catarrhalis bao gồm cả chủng vi khuẩn sản sinh men β- lactamase, Escherichia coli, Neisseria gonorrhoeae, Klebsiella pneumoniae.

Hiện tượng đề kháng:

Trên lâm sàng, hầu hết các chủng vi khuẩn Staphylococcus đã kháng Methicilin có khả năng kháng chéo giữa Cefdinir và các kháng sinh loại Methicilin.

Dược động học:

Cefdinir được hấp qua đường uống với sinh khả dụng tuyệt đối là 25% sau khi dùng dạng hỗn dịch. Thuốc đạt nồng độ đỉnh huyết tương trong vòng 2 – 4 giờ sau khi uống, liều càng cao thì nồng độ càng lớn, tuy nhiên nồng độ tăng ít hơn khi dùng liều 300mg và liều 600mg. Thức ăn có nhiều dầu mỡ sẽ làm giảm hấp thu của Cefdinir từ 16% xuống còn 10%. Vì vậy không dùng Cefdinir cùng với thức ăn.

Cefdinir được phân bố tốt vào dịch amidan, mô xoang, tai giữa, phế quản và niêm mạc phổi, và ở các nồng độ khác nhau trong huyết tương. Thể tích phân bố trung bình của Cefdinir ở người lớn là 0.35 L/kg (±0.29), ở bệnh nhân nhi (6 tháng – 12 tuổi) là 0.67 L/kg (±0.08). Cefdinir gắn kết với protein huyết tương khoảng 60 – 70% ở cả người lớn và bệnh nhân nhi.

Cefdinir không bị chuyển hoá qua gan, hoạt tính chủ yếu là do thuốc gốc. Cefdinir được thải trừ chủ yếu qua thận vào trong nước tiểu dưới dạng không đổi khoảng 18%. Thời gian bán thải của Cefdinir là 1,7 – 1,8 giờ. Thời gian bán thải của Cefdinir ở người bệnh suy thận nặng giảm từ 16 – 3,2 giờ.

2.Dạng thuốc và hàm lượng của Cefdinir

Cefdinir được sản xuất trên thị trường với dạng thuốc và hàm lượng là:

Viên nang cứng: 100mg, 300 mg.

Viên nén: 100mg, 125mg.

Bột pha hỗn dịch uống: 125 mg, 250mg.

Brand name: Omnicef

Generic: Egodinir 125, Egodinir 300, Fortdinir, Genocef, Genocef 300mg, Glencinone, Goldampill 125, Goldampill 300, Golzynir, Haginir 100, Imenir, Kefnir, Medsidin 125, Medsidin 300, Midaxin, Newcefdin capsule, Nidicef 300, Nidicef oral suspension, Nidicef suspension, Nircef, Novicef, Cefdixim, Cefini 100, Cefini 125, Cefini 300, Cefitrik, Cefitrik 300, Cefnaxl, Cefnaxl-125 DT, Cefnirvid 125, Cefnirvid 300, Ceftanir, Cepis-300, Cexil, Cifnir 300 mg, Curecef, Curecef 300mg, Dacenir, Danircap 125, Danircap 300, Dentimex, Denvin 300, Dobaris, Docefnir, Docefnir 100 mg, Docefnir 300 mg, Domacef, Nudinir 300, Obanir, Odiocef, Oferdin 300, Omcetti 300 mg, Ordinir, Oricef 300, Oricentri 300mg, Oridiner 300mg, Orroyal 300mg.

3.Thuốc Cefdinir được dùng cho những trường hợp nào

Cefdinir được chỉ định trong điều trị các bệnh lý nhiễm khuẩn như:

  • Nhiễm trùng đường hô hâp trên và hô hấp dưới: Viêm phổi cộng đồng, đợt cấp viêm phế quản mạn, viêm xoang cấp, viêm họng, viêm amidan.
  • Viêm nang lông, viêm quanh móng, chốc lở, áp xe dưới da, viêm mạch hay hạch bạch huyết, nhọt, chốc lở, viêm quầng, viêm tấy, viêm quanh móng, áp-xe dưới da, viêm tuyến mồ hôi, viêm da mủ mạn tính, vữa động mạch nhiễm trùng.
  • Viêm thận, viêm bàng quang.
  • Viêm tử cung, viêm tuyến Bartholin, viêm phần phụ tử cung.

4.Cách dùng – Liều lượng của Cefdinir

Cách dùng: Thuốc tân dược Cefdinir được dùng đường uống xa bữa ăn. Thời gian điều trị ít nhất 5 – 10 ngày.

Liều dùng:

Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: Uống 300 mg/lần x 2 lần/ ngày.

Trường hợp suy thận (Clcr < 30 ml/ phút): Uống 300 mg/1 lần/ ngày.

Trẻ em: Uống 7 mg/kg/lần x 2 lần/ngày hoặc uống 14 mg/kg/lần/ngày.

Tóm lại, Liều dùng trên giúp người bệnh tham khảo, tuỳ theo tuổi, mức độ tình trạng bệnh, người bệnh cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ về liều dùng và thời gian điều trị để đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả tối ưu nhất.

Streptococcus pneumoniae là vi khuẩn phổ biến gây ra viêm phổi cộng đồng

5.Cách xử lý nếu quên liều thuốc Cefdinir

Nếu người bệnh quên một liều Cefdinir nên uống ngay khi nhớ ra trong ngày đó. Không dùng liều gấp đôi. Nếu gần đến giờ uống của liều thuốc tiếp theo, người bệnh chỉ cần uống liều thuốc tiếp theo vào đúng thời điểm đã lên kế hoạch điều trị.

6.Cách xử lý khi dùng quá liều thuốc Cefdinir

Người bệnh dùng quá liều Cefdinir thường có triệu chứng lâm sàng như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, co giật.

Xử lý khi quá liều: Nếu người bệnh có bất kỳ biệu hiện bất thường nào do dùng thuốc quá liều, phải ngừng thuốc ngay và đưa đến bệnh viện gần nhất để điều trị triệu chứng. Loại thuốc ra khỏi đường hoá bằng than hoạt. Theo dõi chức năng thận, duy trì các dấu hiệu sinh tồn của người bệnh như huyết áp, nhịp tim. Cefdinir được loại ra khỏi cơ thể qua thẩm tách máu.

7.Những lưu ý thận trọng khi sử dụng thuốc Cefdinir

1.Thuốc Cefdinir không được dùng cho những trương hợp sau:

Người có tiền sử mẫn cảm với Cefdinir hoặc nhóm Cephalosporin hoặc nhóm Penicillin hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.

2.Thận trọng khi sử dụng thuốc Cefdinir cho những trường hợp sau:

  • Lưu ý thận trọng khi dùng Cefdinir cho người bệnh có tiển sử viêm đại tràng.
  • Lưu ý thận trọng khi dùng Cefdinir cho người bệnh có người trong gia đình có các phản ứng dị ứng, như bị hen phế quản, phát ban hoặc mày đay.
  • Lưu ý thận trọng khi dùng Cefdinir cho người có rối loạn nặng về thận. Cần theo dõi và giảm liều ở những người bệnh suy giảm chức năng thận có độ thanh thải creatinine < 30 mL/phút.
  • Lưu ý thận trọng khi dùng Cefdinir cho người bệnh suy dinh dưỡng theo đường miệng, hoặc cần phải bồi dưỡng theo đường tiêm truyền, hoặc có thể trạng suy nhược. Cần theo dõi các triệu chứng thiếu hụt vitamin K ở những đối tượng này.
  • Lưu ý thận trọng khi dùng Cefdinir cho người bệnh cao tuổi: Cần phải điều chỉnh liều lượng và khoảng cách dùng liều, dựa vào xét nghiệm cận lâm sàng về tình trạng của bệnh nhân.
  • Lưu ý với phụ nữ có thai, chưa có dữ liệu lâm sàng nào về tác dụng có hại của Cefdinir cho thai nhi. Khuyến cáo không sử dụng Cefdinir trong thời kỳ mang thai. Chỉ dùng thuốc Cefdinir trong thời kỳ mang thai khi thật sự cần thiết.
  • Lưu ý với phụ nữ cho con bú, chưa có dữ liệu lâm sàng về tác động có hại của thuốc đối với trẻ đang bú mẹ. Khuyến cáo không dùng thuốc Cefdinir với người mẹ đang cho con bú. Chỉ dùng thuốc Cefdinir trong thời kỳ cho con bú khi thật sự cần thiết.
  • Lưu ý thận trọng với người đang lái xe và vận hành máy móc, vì thuốc Cefdinir có thể gây ra tác dụng không mong muốn như chóng mặt, mệt mỏi, buồn nôn.

Thận trọng khi dùng Cefdinir cho người có rối loạn chức năng thận nặng

8.Thuốc Cefdinir gây ra tác dụng phụ nào

  1. Thường gặp: Tiêu chảy, buồn nôn, nôn, ban đỏ da, ngứa, đau đầu.
  2. Hiếm gặp: Hội chứng Stevens-Johnson, ban đỏ đa dạng, viêm đại tràng giả mạc, vàng da, giảm huyết cầu, giảm bạch cầu hạt, tăng ALT (GPT) (0.92%), tăng AST (GOT) (0.65%), giảm tiểu cầu, tăng bạch cầu ưa eosin (0.30%), choáng, phản ứng phản vệ (khó thở, cơn bừng nóng lan toả, phù mạch, mày đay), viêm đại tràng, viêm phổi, hội chứng PIE, rối loạn thận, rối loạn chức năng gan, viêm gan, vàng da.

Tóm lại, trong quá trình điều trị bằng thuốc Cefdinir, người bệnh có bất kỳ triệu chứng bất thường nào nghi ngờ do sử dụng thuốc Cefdinir, cần tham khảo ý kiến hướng dẫn của dược sĩ hoặc bác sĩ tư vấn để xử trí kịp thời.

9.Cefdinir tương tác với các thuốc nào

Các antacid có chứa nhôm hoạc magiê: Làm giảm sinh khả dụng của Cefdinir. Nếu cần thiết nên uống antacid trước hoặc sau 2 giờ uống Cefdinir.

Probenecid: Probenecid ức chế sự đào thải của thận đối với Cefdinir, dẫn đến tăng nồng độ đỉnh huyết tương của Cefdinir khoảng 54% và kéo dài nửa đời bán thải 50%.

Các chế phẩm bổ sung sắt và thức ăn có chứa sắt: Làm giảm sự hấp thu của Cefdinir từ 80% xuống còn 31%. Nếu cần thiết nên bổ sung sắt trong quá trình điều trị ít nhất trước hoặc sau 2 giờ khi uống Cefdinir.

Tóm lại, tương tác thuốc có thể làm thay đổi tác dụng điều trị của thuốc hoặc làm tăng tác dụng phụ trầm trọng hơn. Người bệnh nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc của nhà sản xuất trước khi dùng hoặc báo cho bác sĩ biết các loại thuốc đang dùng có nguy cơ, giúp bác sĩ kê đơn hợp lý, an toàn và hiệu quả trong điều trị.

10.Bảo quản Cefdinir như thế nào

Ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ Cao đẳng Dược: Cefdinir bảo quản thuốc theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Nhiệt độ dưới 30°C, tránh tiếp xúc trực tiếp ánh sáng mặt trời để đảm bảo giữ chất lượng thuốc. Để thuốc xa tầm tay trẻ em.

DSCK1. NGUYỄN HỒNG DIỄM

Tài liệu tham khảo:

  1. Drugs.com: https://www.drugs.com/mtm/cefdinir.html
  2. Mims.com: https://www.mims.com/vietnam/drug/search?q=Cefdinir
  3. Dược thư quốc gia Việt Nam 2018.

XEM THÊM: DUOCHOCVIETNAM.EDU.VN

Share this post