1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (3 votes, average: 2,33 out of 5)
Loading...
Chia sẻ:

Công dụng, cách dùng và những lưu ý khi sử dụng thuốc Amiodarone

Thuốc Amiodarone (Pacerone) là thuốc gì? Thuốc được chỉ định trong các trường hợp bệnh lý nào? Cách dùng như thế nào là đúng và những điều gì cần phải chú ý? 

Công dụng, cách dùng và những lưu ý khi sử dụng thuốc Amiodarone

 Thuốc Amiodarone là thuốc gì?

Thuốc Amiodarone là một thuốc chống loạn nhịp tim nhóm III (theo phân loại Vaughan Williams). Thuốc Tân Dược Amiodarone được bào chế dưới dạng viên nén và dung dịch tiêm truyền

Công dụng của thuốc Amiodarone

 Thuốc Amiodarone, được chỉ định trong một số trường hợp:

Loạn nhịp thất

Điều trị hoặc đề phòng tái phát các loạn nhịp thất gây nguy hiểm tính mạng đã được chẩn đoán chắc chắn (như rung thất tái phát, nhịp nhanh thất có rối loạn huyết động, tái phát) và không đáp ứng hoặc là không dung nạp với các loại thuốc chống loạn nhịp khác.

Hỗ trợ điều trị cho rung thất hoặc nhịp nhanh thất trơ với hồi sức tim – phổi, kháng khử rung điện (như sau 2 – 3 lần sốc điện không đỡ), và 1 thuốc co mạch (ví dụ epinephrin, vasopressin).

Điều trị nhịp nhanh thất đơn dạng và đa dạng không kèm theo đau thắt ngực, giảm huyết áp (dưới 90 mm Hg) hoặc phù phổi hoặc điều trị nhịp nhanh thất có huyết động ổn định.

Kiểm soát nhịp nhanh thất đa dạng có khoảng QT bình thường.

Dự phòng loạn nhịp thất và đột tử do ngừng tim

Dự phòng thứ phát với loạn nhịp thất nguy hiểm cho tính mạng (rung thất tái phát, nhịp nhanh thất có rối loạn huyết động), không đáp ứng với các liều thuốc đầy đủ của thuốc chống loạn nhịp đã sử dụng trước đó. Hoặc không dung nạp với các thuốc chống loạn nhịp đã chọn.

Dự phòng tiên phát nhịp nhanh thất kéo dài (thí dụ như nhịp nhanh thất kéo dài > 30 giây và/hoặc có kết hợp với huyết động không ổn định), rung thất hoặc ngừng tim đột ngột ở người bệnh nhồi máu cơ tim bị loạn nhịp thất không kéo dài.

Loạn nhịp nhanh trên thất

Chuyển nhịp từ rung nhĩ sang nhịp xoang bình thường ở người bị rung nhĩ kéo dài ≤ 48 giờ. Mặc dù có thể lựa chọn sốc điện, nhưng amiodarone tiêm tĩnh mạch thường là thuốc được chọn ưu tiên trong một số thuốc được chọn để chuyển rung nhĩ sang nhịp xoang ở người có chức năng thất trái bảo tồn hoặc suy.

Ở một số bệnh nhân mắc hội chứng Wolff-Parkinson-White có suy tim mạn hoặc rung nhĩ hoặc cuồng động nhĩ do hội chứng tiền kích thích thuốc cũng được lựa chọn ban đầu để chuyển nhịp.

Kiểm soát tần số tim ở người bệnh bị rung nhĩ và suy tim (không có đường phụ).

Công dụng, cách dùng và những lưu ý khi sử dụng thuốc Amiodarone

 Hướng dẫn dùng thuốc Amiodarone

Liều dùng

Các bác sĩ, giảng viên trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cho hay thuốc Amiodarone là thuốc được chỉ định theo đơn và hướng dẫn của bác sĩ. Liều lượng cần được thay đổi tùy thuộc với độ tuổi và triệu chứng bệnh của bệnh nhân. Tùy theo từng đối tượng sử dụng mà liều dùng của thuốc sẽ khác nhau. Bạn nên lưu ý rằng, liều trình bày bên dưới chỉ mang tính tham khảoBạn không được tự ý sử dụng mà phải tuân thủ chính xác liều lượng được bác sĩ hướng dẫn.

Trẻ em

Loạn nhịp trên thất và loạn nhịp thất (khi bắt đầu điều trị dưới sự giám sát của bác sĩ chuyên khoa tại bệnh viện):

Đường uống:

  • Trẻ sơ sinh: bắt đầu với 5 – 10 mg/kg ngày uống 2 lần, trong 7 – 10 ngày. Sau đó giảm liều dần để duy trì 5 – 10 mg/kg/ngày.
  • Trẻ từ 1 tháng tuổi – 12 tuổi: Bắt đầu với 5 – 10 mg/kg (tối đa 200 mg) 2 lần/ngày trong 7 – 10 ngày. Sau thời gian đó, giảm liều, duy trì 5 – 10 mg/kg ngày uống 1 lần (tối đa 200 mg/ngày).
  • Trẻ từ 12 – 18 tuổi: 200 mg/lần, 3 lần/ngày trong 1 tuần, sau đó 200 mg/lần, 2 lần/ngày trong 1 tuần, sau đó thường 200 mg/ngày, điều chỉnh theo đáp ứng.

Tiêm truyền:

  • Trẻ sơ sinh: Bắt đầu 5 mg/kg trong 30 phút, sau 5 mg/kg trong 30 phút cho cách nhau 12 – 24 giờ/lần.
  • Trẻ từ 1 tháng tuổi – 18 tuổi: Bắt đầu 5 – 10 mg/kg trong 20 phút đến 2 giờ, sau truyền liên tục 300 microgam/ kg/giờ, tăng lên tùy theo đáp ứng, tối đa 1,5 mg/kg/giờ; không được vượt quá 1,2 g trong 24 giờ.

Rung thất và nhịp nhanh thất không có mạch kém đáp ứng với sốc điện:

Tiêm tĩnh mạch:

  • Trẻ sơ sinh: 5 mg/kg trong ít nhất 3 phút.
  • Trẻ từ 1 tháng tuổi – 18 tuổi: 5 mg/kg (tối đa 300 mg) trong ít nhất 3 phút.

Người lớn

Nhịp nhanh kịch phát trên thất, nhịp nhanh thất, rung nhĩ và flutter nhĩ (bắt đầu điều trị dưới sự giám sát của bác sỹ chuyên khoa tại bệnh viện):

Uống:

  • Bắt đầu với liều 200 mg/lần, 3 lần mỗi ngày, dùng trong 1 tuần. Sau đó là 200 mg/lần, 2 lần mỗi ngày, dùng trong 1 tuần. Sau đó dùng liều duy trì thông thường 200 mg hoặc ít hơn mỗi ngày, tùy theo đáp ứng.
  • Liều tấn công cao tới 1,6 g/ngày, trong 1 – 3 tuần, tiếp theo 600 – 800 mg/ngày và liều duy trì lên tới 400 mg/ngày. Phải cân nhắc đến khả năng tác dụng phụ nặng.

Tiêm truyền khi có đầy đủ điều kiện theo dõi và cấp cứu:

  • Bắt đầu từ 5 mg/kg trong 20 – 120 phút, kèm theo giám sát điện tâm đồ. Sau đó truyền nếu cần, tùy theo đáp ứng tới tối đa 1,2 g trong 24 giờ.
  • Rung thất hoặc nhịp nhanh thất không mạch kháng khử rung: Tiêm tĩnh mạch 300 mg hoặc 5 mg/kg (dùng bơm tiêm có sẵn thuốc hoặc pha loãng trong 20 ml dung dịch dextrose 5%), nếu cần thì có thể cho thêm 1 liều 150 mg (hoặc 2,5 mg/kg) tiêm tĩnh mạch. Tiếp theo là truyền amiodarone 900 mg trong 24 giờ.

Loạn nhịp thất đe dọa tính mạng:

Uống:

  • Liều tấn công: sử dụng từ 800 – 1600 mg/ngày trong 1 – 3 tuần. Hoặc dùng cho tới khi có đáp ứng được điều trị ban đầu. Điều chỉnh lại liều lượng khi bệnh nhân đã kiểm soát được loạn nhịp hoặc tai biến phụ xuất hiện. Giảm liều lượng tới 600 – 800 mg/ngày, dùng trong khoảng 1 tháng.
  • Liều duy trì: sử dụng 400 – 600 mg/ngày; nếu có thể bạn nên thận trọng giảm liều tới 200 mg/ngày.

Tiêm truyền tĩnh mạch:

  • Liều dùng trong 24 giờ đầu là khoảng 1000 mg, phải tính riêng cho tùy từng người bệnh.
  • Pha tấn công: Liều tấn công nhanh ban đầu là 150 mg cho với tốc độ truyền 15 mg/phút (tức là trong vòng 10 phút). Sau đó, liều tấn công chậm là 360 mg cho với tốc độ 1 mg/phút (tức trong 6 giờ).
  • Liều truyền trong pha duy trì đầu tiên: 540 mg cho với tốc độ 0,5 mg/phút (nghĩa là trong 18 giờ). Sau 24 giờ đầu: Truyền duy trì: 0,5 mg/phút (tức là 720 mg trong 24 giờ) có thể thận trọng cho trong 2 – 3 tuần, không cần chú ý đến tuổi, chức năng thận, hoặc chức năng thất trái của người bệnh.

Công dụng, cách dùng và những lưu ý khi sử dụng thuốc Amiodarone

Cách dùng

Đối với thuốc dạng viên nén, bạn nên uống sau khi ăn để thuốc hấp thu được tốt hơn.

Đối với các chế phẩm dùng đường tiêm, chỉ nên được thực hiện bởi nhân viên y tế. Bệnh nhân không được tự ý dùng thuốc tại nhà mà không tuân theo hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ.

Những lưu ý khi dùng thuốc Amiodarone

Theo các dược sĩ Cao đẳng Dược cho biết một vài lưu ý khi dùng thuốc Amiodarone như:

  • Amiodarone là một thuốc có độc tính cao, có tiềm năng gây độc tử vong, đặc biệt nhiễm độc phổi, nên thuốc phải được dùng dưới sự giám sát của thầy thuốc chuyên khoa và có kinh nghiệm tại bệnh viện
  • Amiodarone không được dùng cho người có nhịp tim chậm, blốc xoang – nhĩ, blốc nhĩ – thất hoặc cả rối loạn dẫn truyền nặng khác, trừ khi có máy tạo nhịp.
  • Khi dùng amiodarone, cần tránh phơi nắng.
  • Hàng năm phải khám mắt.
  • Tiêm truyền tĩnh mạch phải chậm: Nếu truyền lâu hoặc lặp lại nhiều lần, cần phải dùng ống cathete để tiêm tĩnh mạch trung tâm.
  • Thận trọng với người bị suy tim sung huyết, suy gan, rối loạn chức năng tuyến giáp, hạ kali huyết, giảm thị lực hoặc người bệnh phải can thiệp phẫu thuật. Liều cao có thể gây nhịp tim chậm và rối loạn dẫn truyền với nhịp tự thất, đặc biệt ở người bệnh cao tuổi đang dùng digitalis.
  • Thận trọng khi dùng kết hợp với các chất chẹn beta hoặc các thuốc chẹn kênh canxi, vì lý do nguy cơ gây chậm nhịp và blốc nhĩ thất.
  • Dùng amiodarone tĩnh mạch có thể gây nặng thêm tình trạng suy tim.
  • Rối loạn điện giải và đặc biệt là hạ kali huyết có thể xảy ra khi người bệnh dùng phối hợp với digitalis hoặc với các thuốc chống loạn nhịp khác. Việc phối hợp các loại thuốc này có thể gây loạn nhịp.
  • Cũng cần thận trọng khi sử dụng đối với người quá mẫn với iod.

Thông tin trên trang mang tính chất tham khảo, vui lòng không tự ý áp dụng, nếu không có sự đồng ý của bác sĩ điều trị.

Share this post