Itraconazole là thuốc kháng nấm được chỉ định điều trị nhiễm nấm như nấm da, nấm tóc, nấm da đầu, nấm móng chân tay, nấm bẹn, nấm đường tiêu hóa, lang ben và hắc lào do nấm gây ra.
- Nizatidine thuốc điều trị viêm loét dạ dày và những lưu ý khi sử dụng
- Entecavir thuốc kháng virus điều trị viêm gan B và những lưu ý khi sử dụng
- Thuốc dị ứng và các lưu ý khi sử dụng
Itraconazole là thuốc kháng nấm
1.Itraconazole là thuốc gì
DSCK1.NGUYỄN HỒNG DIỄM giảng viên Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cho biết: Itraconazole là dẫn xuất triazol tổng hợp có tác dụng chống nấm. Itraconazole ức chế các enzym phụ thuộc cytochrom P450 của nấm dẫn đến làm suy giảm sự tổng hợp ergosterol trong màng tế bào nấm, gây rối loạn chức năng màng và enzym liên kết màng, ảnh hưởng đến sự sống và phát triển của tế bào nấm.
Phổ kháng nấm:
Itraconazole có tác dụng tốt hơn Ketoconazole đối với một số nấm, đặc biệt đối với Aspergillus spp. Itraconazole còn tác dụng trên một số chủng nấm khác như Coccidioides, Cryptococcus, Candida, Histoplasma, Blastomyces và Sporotrichosis spp.
Itraconazole không có tác dụng với Fusarium, Scedosporium hoặc Scopulariopsis, bao gồm S. acremonium và S. brevicaulis.
Hiện tượng kháng thuốc:
Trên lâm sàng, Itraconazole được sử dụng cho người bệnh dài ngày dẫn đến tình trạng một số chủng nấm đã kháng Itraconazole. Những chủng nấm bao gồm nấm Candida đã kháng Itraconazole thì có thể kháng chéo với các thuốc chống nấm azol khác như Fluconazole, Ketoconazole.
Dược động học:
Itraconazole được hấp thu tốt qua đương tiêu hoá, thức ăn làm tăng sự hấp thu của thuốc, nên uống ngay sau bữa ăn hoặc uống cùng thức ăn. Itraconazole hoà tan tốt và tăng lên trong môi trường acid. Sinh khả dụng tương đối đường uống của viên nang so với dung dịch uống là khoảng trên 70%.
Khi uống một liều 100 mg, sau 4 – 5 giờ thuốc đạt nồng độ đỉnh huyết tương là 180 μg/lít khi uống cùng thức ăn và 20 μg /lit khi uống lúc đói
Itraconazole gắn kết mạnh với protein trong huyết tương trên 99%, chủ yếu với albumin, khoảng 0,2% thuốc ở dạng tự do. Thuốc hoà tan tốt trong lipid, nồng độ phân bố trong các mô cao hơn nhiều trong huyết thanh.
Itraconazole được chuyển hóa chủ yếu ở gan thành nhiều chất chuyển hoá không còn hoạt tính và một chất chuyển hóa là hydroxyitraconazole là có hoạt tính chống nấm và có nồng độ huyết tương gấp đôi nồng độ của Itraconazole ở trạng thái ổn định. Thời gian bán thải của Itraconazole là 20 giờ, có thể dài hơn khi dùng liều cao hàng ngày.
Itraconazole được thải trừ qua thận khoảng 40% liều được bài xuất ra nước tiểu dưới dạng hợp chất chuyển hóa không còn hoạt tính. Một phần khoảng 3 – 18% liều uống được bài tiết qua phân dưới dạng không biến đổi. Một lượng nhỏ thuốc được thải trừ qua tóc và lớp sừng. Thẩm tách máu không loại trừ được Itraconazole trong máu.
2.Dạng thuốc và hàm lượng của Itraconazole
Thuốc tân dược Itraconazole được sản xuất trên thị trường dưới dạng thuốc và hàm lượng là
- Viên nang cứng: 100 mg.
- Dung dịch uống: 10 mg/ml (Chai 150 ml).
- Dung dịch tiêm truyền: 200 mg/50 ml
Brand name: Sporal, Sporanox.
Generic: Itranox 100mg, Itaspor, Itrazol, Sporal cap 100mg, Sporanox IV, Sporal, Itracole capsule, Kupitral, Eszol Tablet, Scotrasix, Omestra, Izolmarksans, Itraxcop, Raxnazole, Itramir, Eurotracon, Pharmitrole, Sporacid, Kbat, Spulit, Spobet 100mg, Miduc, Toduc, Istrax, Multicand, Raset 100mg, Tarimagen, Acitral, Itcon Capsules, Itrex, Taleva 100mg, Apicozol 100, Ifatrax, ItraAPC 100, Novonazol, Vanoran, Botaxtan, Ibisaol, Nibean, Conazonin, Itrakon, Retroz, RV-Itzol, Bestporal, Itraconazole Mekophar.
3.Thuốc Itraconazole được dùng cho những trường hợp nào
- Điều trị nhiễm nấm Candida ở họng và miệng.
- Điều trị nhiễm nấm Candida ở âm đạo và âm hộ.
- Điều trị lang ben do nhiễm nấm.
- Điều trị nấm da chân, da bẹn, da thân, da kẽ tay do nhiêm các chủng nấm da nhạy cảm với Itraconazole như Trichophyton spp, Microsporum spp., Epidermophyton floccosum.
- Điều trị bệnh nấm móng chân, móng tay do nhiễm nấm Tinea unguium.
- Điều trị bệnh nhiễm nấm Blastomyces ở phổi và ngoài phổi.
- Điều trị bệnh nấm khoang phổi mạn tính do nhiễm nấm Histoplasma và bệnh nấm Histoplasma rải rác, không ở màng não.
- Điều trị nhiễm nấm Aspergillus ở phổi và ngoài phổi trên người bệnh không dung nạp hoặc đã kháng với Amphotericin B.
- Điều trị dự phòng nhiễm nấm tiềm ấn tái phát ở những người bệnh nhiễm HIV.
- Điều trị dự phòng nhiễm nấm ở người bệnh giảm bạch cầu trung tính trong thời gian kéo dài.
Nấm hắc lào gây mụn nước, ngứa, tổn thương và bong tróc da
4.Cách dùng – Liều lượng của Itraconazole
Cách dùng:
Itraconazole dạng viên và dung dịch uống được dùng đường uống. Viên nang uống sau bữa ăn vì thức ăn làm tăng hấp thu. Dạng dung dịch uống được uống vào lúc đói vì thức ăn làm giảm hấp thu. không được dùng hai dạng viên nang và dung dịch uống thay thế lẫn nhau do sinh khả dụng và cách dùng khác nhau.
Dạng dung dịch uống thường được chỉ định dùng hiệu quả đối với bệnh nấm Candida ở miệng và thực quản. Khi uống, phải súc mạnh dung dịch trong miệng vài giây trước khi nuốt.
Dạng dung dịch tiêm truyền thường được truyền tĩnh mạch trong khoảng 1 giờ.
Liều dùng cho người lớn:
Viên nang:
Thời gian điều trị ngắn ngày:
Nấm Candida âm hộ – âm đạo: Uống 200 mg/lần x 2 lần/ngày, chỉ uống trong 1 ngày. Hoặc 200 mg/lần/ngày, uống trong 3 ngày.
Lang ben: Uống 200 mg/lần/ngày, uống trong 7 ngày.
Bệnh nấm da: Uống 100 mg/lần/ngày, uống trong 15 ngày. Nếu ở vùng da sừng hóa cao thì uống liều 100 mg/lần/ngày và phải điều trị trong 30 ngày.
Nấm Candida miệng – hầu họng: Uống 100 mg/lần/ngày, uống trong 15 ngày. Ở người bệnh AIDS hoặc giảm bạch cầu trung tính: Uống 200mg/lần/ngày, uống trong 15 ngày.
Thời gian điều trị dài ngày: Đối với nhiễm nấm toàn thân phụ thuộc vào đáp ứng lâm sàng và nấm.
Bệnh nấm móng: Uống 200 mg/lần/ngày, uống trong 3 tháng.
Bệnh nấm Aspergillus: Uống 200 mg/lần/ngày, uống trong 2 – 5 tháng. Có thể tăng liều nếu bệnh lan tỏa: Uống 200mg/lần x 2 lần/ngày.
Bệnh nấm Candida: Uống 100 – 200 mg/lần/ngày, uống trong 3 tuần – 7 tháng. Nếu bệnh lan tỏa, có thể tăng liều: 200 mg/lần x 2 lần/ngày.
Bệnh nấm Cryptococcus (không viêm màng não): Uống 200 mg/lần/ngày, uống trong 2 tháng – 1 năm.
Bệnh viêm màng não do nấm Cryptococcus: Uống 200 mg/lần x 2 lần/ngày. Liều duy trì: 200 mg/lần/ngày.
Bệnh nấm Histoplasma và Blastomyces: Uống 200 mg/lần x 1-2 lần/ngày, uống trong 8 tháng.
Ðiều trị duy trì trong bệnh AIDS: Uống 200 mg/lần/ngày.
Dự phòng trong bệnh giảm bạch cầu trung tính: Uống 200 mg/lần/ngày.
Dung dịch uống:
Bệnh nấm Candida miệng – họng: Uống 200 mg (20 ml)/lần/ngày, uống trong 1 – 2 tuần.
Bệnh nấm Candida thực quản: Uống 100 mg (10 ml)/1 lần/ngày, điều trị tối thiểu trong 3 tuần. Nếu đáp ứng tốt, tiếp tục điều trị trong 2 tuần.
Trẻ em: Không khuyến cáo dùng cho trẻ em, vì hiệu quả và an toàn của thuốc chưa được xác định.
Tóm lại, Liều dùng trên giúp người bệnh tham khảo, tuỳ theo tình trạng mức độ của bệnh, người bệnh cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ về liều dùng cụ thể và liệu trình điều trị để đạt hiệu quả tốt trong điều trị.
5.Cách xử lý nếu quên liều thuốc Itraconazole
Nếu người bệnh quên một liều Itraconazole nên uống ngay khi nhớ ra trong ngày đó. Không dùng liều gấp đôi. Nếu gần đến thời điểm uống của liều thuốc tiếp theo, chỉ cần uống liều thuốc tiếp theo vào đúng thời điểm như trong kế hoạch điều trị.
6.Cách xử lý khi dùng quá liều thuốc Itraconazole
Hiện nay, chưa có dữ liệu lâm sàng đày đủ khi người bệnh dùng quá liều Itraconazole có triệu chứng quan trọng. Tuy nhiên, một số người bệnh dùng liều trên 1 000 mg có các triệu chứng tương tự phản ứng phụ như buồn nôn, đau bụng, táo bón, rối loạn tiêu hóa, phù mạch, tăng men gan, giảm kali huyết, khó thở.
Xử trí khi quá liều: Nếu người bệnh có bất kỳ triệu chứng bất thường nào do dùng thuốc quá liều, phải ngừng thuốc ngay và đưa đến bệnh viện gần nhất để điều trị triệu chứng. Tích cực rửa dạ dày để loại thuốc ra khỏi đường tiêu hoá và theo dõi chức năng hô hấp của người bệnh. Chưa có thuốc giải độc đặc hiệu.
7.Những lưu ý thận trọng khi sử dụng thuốc Itraconazole
1.Thuốc Itraconazole không được dùng cho những trương hợp sau:
- Người có tiền sử mẫn cảm với Itraconazole hoặc các azol khác hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.
- Người bệnh dùng đồng thời với một số thuốc nhóm chống loạn nhịp, các thuốc hạ lipid máu nhóm ức chế HMG – CoA reductase (các thuốc statin).
- Người bệnh đang điều trị với, Cisapride, Terfenadin, Astemizole, Triazolam dạng uống, Midazolam dạng uống.
- Phụ nữ mang thai.
- Phụ nữ cho con bú.
2.Thận trọng khi sử dụng thuốc Itraconazole cho những trương hợp sau:
- Lưu ý trong điều trị nhiễm nấm Candida toàn thân, nếu nấm Candida đã kháng Fluconazole thì cũng có thể không nhạy cảm với Itraconazole. Cần test độ nhạy cảm với Itraconazole trước khi điều trị.
- Lưu ý khi sử dụng Itraconazole ở người bệnh có tiền sử bệnh gan hoặc gan đã bị nhiễm độc. Mặc dù khi điều trị ngắn ngày Itraconazole không làm rối loạn chức năng gan nhưng cũng không nên dùng thuốc cho người bệnh có tiền sử bệnh gan hoặc gan đã bị nhiễm độc. Khi điều trị thời gian dài trên 30 ngày cần phải kiểm tra định kỳ chức năng gan.
- Lưu ý không sử dụng Itraconazole ở người bệnh suy tim sung huyết hoặc tiền sử suy tim sung huyết trừ khi cần điều trị nhiễm trùng nặng hoặc đe dọa đến tính mạng.
- Lưu ý thời kỳ mang thai, Itraconazole có thể gây độc cho thai nhi. Khuyến cáo không dùng Itraconazole trong thời kỳ mang thai hoặc phụ nữ không nên có thai trong vòng 2 tháng sau khi ngừng điều trị.
- Lưu ý thời kỳ cho con bú, Itraconazole có bài tiết qua sữa mẹ ở nồng độ nhất định khi sử dụng trên phụ nữ cho con bú. Khuyến cáo không dùng Itraconazole trong thời kỳ cho con bú.
- Lưu ý thận trọng khi sử dụng Itraconazole cho người đang lái xe và vận hành máy móc. Vì thuốc Itraconazole có thể gây ra tác dụng không mong muốn như chóng mặt, rối loạn thị giác.
8.Thuốc Itraconazole gây ra các tác dụng phụ nào
- Thường gặp: Buồn nôn, đau bụng, táo bón, rối loạn tiêu hóa, chóng mặt, đau đầu.
- Ít gặp: Ban da, ngứa, nổi mề đay, phù mạch, hội chứng Stevens – Johnson, rối loạn kinh nguyệt, tăng men gan có hồi phục, viêm gan khi điều trị thời gian dài, giảm kali huyết, phù, rụng lông, rụng khi điều trị thời gian dài trên 1 tháng.
- Hiếm gặp: Bệnh thần kinh ngoại vi,
- Không xác định tần suất: Đau bụng, táo bón, khó tiêu, thở khó, thở nhanh.
Trong quá trình sử dụng thuốc Itraconazole, người bệnh có bất kỳ biểu hiện bất thường nào nghi ngờ rằng do sử dụng thuốc Itraconazole, cần tham khảo ý kiến của dược sĩ tư vấn để xử trí kịp thời.
9.Itraconazole tương tác với các thuốc nào
Các chất bị chuyển hóa bởi hệ enzym CYP: Itraconazol là chất ức chế hệ enzym CYP này, làm tăng nồng độ các thuốc dùng đồng thời, kéo dài tác dụng điều trị và tăng phản ứng ADR. Tránh phối hợp chung.
Terfenadin, Astemizole, Cisapride: Khi dùng phối hợp đồng thời với Itraconazole làm tăng nồng độ của các thuốc này trong huyết tương, dẫn đến tang loạn nhịp tim gây tử vong. Chống chỉ định phối hợp chung với Itraconazole.
Diazepam, Midazolam, Triazolam uống: Khi dùng phối hợp đồng thời với Itraconazole làm tăng nồng độ của các thuốc này, làm tăng hoặc kéo dài tác dụng an thần, gây ngủ của nhóm thuốc này. Do đó được chống chỉ định dùng cùng Itraconazole. Trong tiền mê phẫu thuật, nếu dùng Midazolam tiêm tĩnh mạch thì phải theo dõi thật cẩn thận vì tác dụng an thần có thể kéo dài.
Warfarin: Itraconazole làm tăng tác dụng chống đông của Warfarin khi được dùng chung. Cần theo dõi thời gian prothrombin ở người bệnh để giảm liều Warfarin nếu cần khi dùng đồng thời.
Thuốc chẹn calci như nifedipin, felodipin, verapamil: Itraconazol gây ức chế sự chuyển hóa các thuốc chẹn kênh calci, dẫn đến tăng nồng độ, có thể gây phù, ù tai và tăng nguy cơ suy tim sung huyết. Cần phải thận trọng và điều chỉnh liều phù hợp khi dùng Itraconazole ở những người bệnh đang dùng các thuốc chẹn kênh calci. Chống chỉ định dùng đồng thời Itraconazole với Nisoldipin.
Thuốc hạ cholesterol nhóm ức chế HMG – CoA reductase như Lovastatin, Atorvastatin, Simvastatin, Pravastatin: Khi dùng chung với Itraconazole có thể làm tăng nồng độ các thuốc này trong máu, dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh cơ và viêm cơ.
Digoxin: Itraconazole làm tăng nồng độ của Digoxin trong huyết tương khi dùng chung.
Thuốc chống đái tháo đường: Khi dùng chung với Itraconazole làm tăng tác dụng hạ đường huyết nặng của các thuốc chống đái tháo đường.
Thuốc kháng acid, thuốc kháng H2 như cimetidin, ranitidin hoặc omeprazole, sucralfate: Làm giảm sinh khả dụng của Itraconazole, làm mất tác dụng điều trị chống nấm. Vì Itraconazole cần môi trường acid dịch vị để được hấp thu tốt.
Các thuốc cảm ứng enzyme CYP như rifampicin, isoniazid, phenobarbital, phenytoin: Làm giảm nồng độ của Itraconazole trong huyết tương.
Tóm lại, tương tác thuốc có thể làm thay đổi hiệu quả điều trị của thuốc hoặc làm tăng tác dụng phụ trầm trọng hơn. Người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc của nhà sản xuất hoặc thông báo cho bác sĩ kê đơn biết những loại thuốc đang dùng có nguy cơ để giúp bác sĩ kê đơn hợp lý, an toàn và đạt hiệu quả tốt điều trị.
Hãy báo với bác sĩ của bạn những thuốc bạn đang dùng
10.Bảo quản Itraconazole như thế nào
Ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ Cao đẳng Dược: Itraconazole được bảo quản ở nhiệt độ dưới 30°C, khô ráo, tránh ánh sáng mặt trời để đảm bảo giữ chất lượng thuốc. Để thuốc xa tầm tay trẻ em.
DSCK1. NGUYỄN HỒNG DIỄM
Tài liệu tham khảo:
- Drugs.com: https://www.drugs.com/mtm/itraconazole.html
- Mims.com: https://www.mims.com/vietnam/drug/search?q=Itraconazole
XEM THÊM: DUOCHOCVIETNAM.EDU.VN