Chia sẻ:

Nhân trần: Thảo dược thanh nhiệt, mát gan quen thuộc

Từ xa xưa, Nhân trần đã được sử dụng như một vị dược liệu quý trong y học cổ truyền. Đặc biệt, thảo dược này nổi bật với công dụng thanh nhiệt, làm mát gan và giải khát hiệu quả.

Giới thiệu về cây Nhân trần

Theo Dược sĩ, giảng viên Cao đẳng Dược TPHCM cho biết, Nhân trần là loài cây thân thảo, mọc thẳng đứng, chiều cao dao động từ 40–70 cm, có thể đạt tới 1 m. Thân cây tròn, cứng, phủ đầy lông mịn và tỏa ra mùi thơm dễ chịu. Lá mọc đối xứng, hình trái xoan, dài 4–6 cm, rộng 2–3 cm; phần đầu lá có thể tù hoặc hơi nhọn, gốc lá tròn, mép khía răng đều, cả hai mặt đều có lông. Khi vò, lá tỏa ra hương thơm đặc trưng. Cuống lá dài từ 0,5–1,2 cm.

Hoa mọc thành chùm ở đầu cành hoặc kẽ lá, tạo thành cụm bông dài có thể đạt đến 30 cm. Hoa có màu lam tím, đài hoa hình chuông, xẻ 5 răng và có lông; các thùy ngoài hình mác rộng, dài, thùy trong hẹp hơn. Tràng hoa chia thành hai môi, môi trên hình tam giác, đầu hơi lõm; môi dưới dài hơn, chia thành ba thùy bằng nhau. Cây có bốn nhị. Quả nang có kích thước bằng đài hoa, hình trứng, có mỏ ngắn, bên trong chứa nhiều hạt nhỏ màu vàng.

Bộ phận dùng và cách bào chế

Phần được sử dụng làm thuốc là toàn bộ cây Nhân trần ở phía trên mặt đất. Cây thường được thu hái vào mùa hè, khi đang ra hoa. Sau khi thu hái, cây được phơi hoặc sấy khô, bó thành từng bó và bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát.

Trước khi dùng, dược liệu được rửa sạch để loại bỏ bụi bẩn và tạp chất, sau đó chặt thành từng đoạn dài 3–5 cm, phơi khô lại và sao sơ qua để sử dụng.

Công dụng của Nhân trần

Theo y học hiện đại:

  • Tăng tiết mật: Nước sắc từ Nhân trần có tác dụng làm giảm trương lực cơ vòng Oddi (ở chó gây mê). Hoạt chất 6,7-dimethoxycoumarin được xác định là thành phần có tác dụng lợi mật rõ rệt.

  • Tăng cường chức năng gan: Giúp gan đào thải độc tố hiệu quả hơn.

  • Kháng khuẩn: Có khả năng tiêu diệt một số vi khuẩn gây bệnh như tụ cầu vàng, trực khuẩn mủ xanh, E.coli – tác nhân gây viêm phổi và viêm não.

  • Tẩy giun: Thử nghiệm trên giun đũa lợn cho kết quả tích cực.

  • Kháng nấm: Tinh dầu trong cây có tác dụng ức chế mạnh các loại nấm gây bệnh ngoài da.

  • Giảm mỡ máu, hạ huyết áp, giãn mạch vành: Hỗ trợ điều hòa huyết áp và cải thiện chức năng tim mạch.

Theo y học cổ truyền:

  • Tính vị: Vị đắng, tính bình, hơi hàn.

  • Quy kinh: Can, Vị, Đởm và Tỳ.

  • Tác dụng: Thanh nhiệt, lợi tiểu, làm mát gan, hỗ trợ điều trị vàng da, giải độc.

  • Chủ trị: Được sử dụng để chữa các chứng như vàng da, sốt nóng, tiểu tiện khó khăn, và giúp phục hồi thể trạng cho phụ nữ sau sinh.

Giảng viên Trường Cao đẳng Dược Hà Nội cho hay, Nhân trần có thể được sử dụng dưới dạng thuốc sắc hoặc pha trà để uống. Liều dùng thông thường từ 8–20 g mỗi ngày, tùy theo nhu cầu và thể trạng người dùng.

Một số bài thuốc kinh nghiệm với Nhân trần

Chữa viêm gan cấp:

    • Bài 1: Nhân trần 18–24 g, Chi tử 12 g, Đại hoàng 6–8 g, sắc uống (theo bài Nhân trần cao thang – Thương hàn luận).

    • Bài 2: Nhân trần 30–45 g, sắc uống 3 lần/ngày. Theo Hoàng Ngọc Thành, đã điều trị thành công 32 ca viêm gan cấp bằng bài thuốc này, giúp hạ sốt, hết vàng da, gan nhỏ lại nhanh chóng trong 3–15 ngày, phần lớn khỏi trong vòng 7 ngày.

      Trị viêm gan vàng da, tiểu tiện ít:

      • Nhân trần 16 g, Bạch truật, Trạch tả, Bạch linh, Trư linh mỗi vị 12 g, Quế chi 6 g. Sắc uống (bài Nhân trần ngũ linh tán – Kim quỹ yếu lược).

      • Hoặc: Nhân trần 30 g, Mã đề kim 25 g, sắc uống (theo Trung Quốc dân gian bách bệnh lương phương).

        Chữa viêm túi mật:

        • Nhân trần cao, Bồ công anh, Quảng uất kim mỗi vị 40 g, Khương hoàng 16 g, sắc uống.

          Hỗ trợ điều trị mỡ máu cao:

          • Nhân trần 30 g, Sơn tra 20 g, Sinh mạch nha 15 g, sắc uống.

            Chữa say nắng, nhức đầu, sốt:

            • Nhân trần và hành trắng (khoảng 1 nắm mỗi vị), sắc lấy nước uống (Nam dược thần hiệu).

              Hạ sốt, thúc đẩy tiết mồ hôi:

              • Nhân trần 16 g, Hoạt thạch 20 g, Hoàng cầm 12 g, Thạch xương bồ 8 g, Mộc thông 8 g, Hoắc hương 6 g, Xuyên bối mẫu 8 g, Xạ can 6 g, Liên kiều 6 g, Bạc hà 6 g, Bạch đậu khấu 6 g. Tất cả sắc uống.

Share this post