1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (3 votes, average: 2,33 out of 5)
Loading...
Chia sẻ:

Prednisolone thuốc chống viêm corticoid và những lưu ý khi sử dụng

Prednisolone là thuốc chống viêm corticoid, thường được dùng để giảm các triệu chứng sưng đau do viêm và các phản ứng dị ứng hay dùng điều trị một số bệnh lý do nồng độ corticosteroid tự nhiên trong cơ thể thấp.

Prednisolone thuốc chống viêm corticoid

1.Prednisolone là thuốc gì

Prednisolone là một glucocorticoid (Corticoid) tổng hợp có tác dụng chống viêm mạnh, chống dị ứng và ức chế miễn dịch. Thuốc được chỉ định trong điều trị các bệnh lý viêm da dị ứng, hen suyễn, bệnh viêm xương khớp, lupus ban đỏ, bệnh bạch cầu…và các tình trạng thiếu hụt nồng độ glucocorticoid tự nhiên trong cơ thể do suy giảm tuyến thượng thận.

Bình thường trong cơ thể, các hocmon glucocorticoid bao gồm hydrocortison hay gọi là cortisol và cortison do vỏ thượng thận sản xuất ra ở ngưỡng nồng độ vừa đủ để đáp ứng nhu cầu sinh lý của các tế bào. Ở nồng độ sinh lý, glucocorticoid giúp duy trì cân bằng nội môi, làm tăng sức chống đỡ của cơ thể với stress và giúp duy trì các chức năng khác của cơ thể. Các tác dụng sinh lý của glucocorticoid nội sinh bao gồm điều hoà các phản ứng chuyển hoá trong cơ thể như tăng tổng hợp glycogen, tăng dự trữ glycogen ở gan, ức chế sử dụng glucose ở tế bào, tăng dị hóa protein dẫn tới cân bằng nitrogen âm tính, đối kháng hoạt tính của insulin,  phân phối lại chất béo trong cơ thể, tăng hủy lipid, tăng tốc độ lọc cầu thận dẫn đến tăng thải trừ urat trong nước tiểu, giảm hấp thu calci ở ruột và tăng thải trừ calci qua thận. Prednisolon còn làm giảm bạch cầu ưa acid và tế bào lympho nhưng kích thích tạo hồng cầu ở tủy xương và bạch cầu đa nhân trung tính.

Các tác dụng chính được ứng dụng trong lâm sàng điều trị là chống viêm, chống dị ứng và ức chế miễn dịch. Tuy nhiên, các tác dụng này chỉ đạt được khi nồng độ cortisol trong máu cao hơn nồng độ sinh lý, đó là nguyên nhân dễ dẫn đến các tai biến trong điều trị. Vì vậy, trong một số trường hợp lâm sàng có thể dùng thuốc tại chỗ để tránh tác dụng toàn thân và nâng cao hiệu quả điều trị đến tối đa. Ở liều sinh lý, các corticosteroid dùng để thay thế sự thiếu hụt hormon nội sinh do suy tuyến thượng thận.

Tác dụng chống viêm: Glucocorticoid ức chế mạnh sự di chuyển bạch cầu về ổ viêm; Ức chế phospholipase A 2 dẫn đến làm giảm tổng hợp prostaglandin; Làm giảm chức năng hoạt động thực bào của đại thực bào, bạch cầu đa nhân và giảm sản xuất các cytokin.

Prednisolone có tác dụng mineralocorticoid yếu, vì vậy nếu dùng thuốc trong thời gian ngắn có rất ít nguy cơ giữ Na+ và phù.

Tác dụng chống dị ứng: Glucocorticoid làm giảm tính thẩm thành mạch và giảm hình thành phù, do ức chế hoạt tính của kinin và các nội độc tố vi khuẩn và do làm giảm lượng histamin giải phóng bởi bạch cầu đa base.

Tác dụng ức chế miễn dịch: Glucocorticoid ức chế chức năng của các tế bào lymphô và của các đại thực bào của mô, làm chết các tế bào lympho – T.

2.Dạng thuốc và hàm lượng của Prednisolone như thế nào

Thuốc Prednisolone được sản xuất trên thị trường với dạng thuốc và hàm lượng là:

  • Viên nén 1mg, 5mg.
  • Viên nang cứng 5mg.
  • Viên nén phân tán 5mg, 10mg, 15mg, 20mg, 30mg.
  • Hỗn dịch tiêm dạng Prednisolon acetat lọ 25 mg/ml.
  • Dung dịch nhỏ mắt dạng Prednisolon natri phosphat 1%.
  • Hỗn dịch nhỏ mắt dạng Prednisolon acetat  lọ 5 ml 1%.

Generic: Prednisolon Thephaco, HP- Prednisolon , Sovepred, Prencoid, Fufred, AustraPharmMesone Baby,  Prelimax, Prednisolon Meyer, Soredon NN, Prednisolone STADA, Prednisolone Stella , Predstad , Solopredni, Cadipredni, SP Predni, Kidpredni, Robpredni, Robpredni sweet, Ytecopredni, Prednilone, Dhasolone, Renifort, Prednisolone Tablet, Predion DT, Deltal – Amtex, Prednisolon Donaipharm, Sunapred, Prednisolon, Ceteco Prednisolon, Ceteco cenpred, Cetecocenpred, Ceteco Pred, Ceteco Cenvadia, Prednisolon, Prednisolon Vacopharm, Prednisolon sachet, Prednisolon Boston, Soluboston, Rednison, Prednisonlon Hataphar, Hydrocolacyl, Prednisolone Khapharco, Prednisolone Blue.

3.Thuốc Prednisolone dùng cho những trường hợp nào

Prednisolon được chỉ định điều trị các bệnh lý với vai trò là thuốc chữa bệnh chống viêm, theo cho biết giảng viên Trường Cao đẳng Dược chống dị ứng và ức chế miễn dịch trong các trường hợp sau:

  • Điều trị dị ứng: Các trường hợp dị ứng nặng: Viêm da dị ứng, các phản ứng quá mẫn với thuốc, viêm mũi dị ứng theo mùa hoặc quanh năm, bệnh huyết thanh.
  • Điều trị bệnh da: Viêm da bóng nước dạng ecpet, viêm da tiếp xúc, vảy nến, u sùi dạng nấm, pemphigus, hội chứng Stevens-Johnson.
  • Điều trị bệnh nội tiết: Tăng sản thượng thận bấm sinh, tăng calci huyết trong bệnh ác tính, viêm tuyến giáp u hạt (bán cấp, không có mủ), suy vỏ thượng thận thứ phát hoặc nguyên phát.
  • Điều trị bệnh đường tiêu hóa: Dùng trong giai đoạn cấp của bệnh Crohn, viêm kết tràng loét.
  • Điều trị bệnh máu: Thiếu máu tan máu tự miễn, thiếu máu Diamond – Blackfan, ban xuất huyết, giảm tiểu cầu tự phát ở người lớn, thiếu máu bất sản.
  • Điều trị bệnh khối u: Bệnh bạch cầu cấp, u lympho.
  • Điều trị bệnh hệ thần kinh: Giai đoạn nặng, cấp của bệnh xơ cứng rải rác; phù não trong bệnh u não nguyên phát hoặc di căn, thủ thuật mở sọ hoặc tổn thương ở đầu.
  • Điều trị bệnh ở mắt: Viêm màng mạch nho và viêm mắt không đáp ứng với corticosteroid tại chỗ.
  • Điều trị trong ghép cơ quan: Thải ghép cơ quan đặc: cấp và mạn tính.
  • Điều trị bệnh phổi: Giai đoạn nặng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD); bệnh nấm Aspergillus phế quản – phổi dị ứng; hen phế quản; lao phổi; viêm phổi do quá mẫn; viêm phổi do hít phải các chất; viêm phổi bạch cầu ưa eosin tự phát; viêm tiểu phế quản tự phát tắc nghẽn, xơ hóa phổi tự phát, viêm phổi do Pneumocystis carinii (PCP) với chứng giảm oxy huyết ở bệnh nhân HIV(+) đang điều trị bằng kháng sinh chống PCP phù hợp; bệnh sarcoid.
  • Điều trị bệnh thận: Gây bài niệu và làm giảm protein niệu trong hội chứng thận hư thể tự phát hoặc do bệnh lupus ban đỏ.
  • Điều trị bệnh khớp và colagen: Hỗ trợ điều trị ngắn hạn (trong giai đoạn cấp, nặng) của bệnh viêm khớp do gút cấp; viêm cột sống dính khớp, viêm động mạch thái dương, viêm khớp vảy nến, viêm đa sụn tái phát, viêm da cơ, viêm đa cơ, đau đa cơ do thấp, viêm khớp dạng thấp, hội chứng Siogren, viêm mạch, lupus ban đỏ hệ thống.
  • Điều trị bệnh nhiễm trùng đặc biệt: Bệnh giun xoắn ở hệ thần kinh hoặc cơ tim, viêm màng não do lao mức độ trung bình đến nặng.

4.Cách dùng – Liều dùng của Prednisolone như thế nào

Cách dùng:

Thuốc Prednisolone dạng viên được dùng bằng đường uống với nước lọc, sau bữa ăn để làm giảm tác dụng trên đường tiêu hóa. Dùng một lần duy nhất vào lúc 8 giờ sáng để giảm tác dụng phụ của thuốc. Khi dùng Prednisolone trong thời gian dài trên 15 ngày, nếu muốn ngừng thuốc thì phải giảm liều theo phác đồ điều trị của bác sĩ. Các dạng muối của Prednisolon có thể có các đường dùng khác.

Bổ sung trong chế độ ăn nhiều kali, pyridoxin, vitamin C, vitamin D, folat, calci và phospho.

Theo dõi các thông số: Huyết áp, glucose huyết, các chất điện giải, mật độ khoáng của xương, áp lực trong mắt khi dùng trên 6 tuần. 

Theo cho biết giảng viênTrường Cao đẳng Y Dược Pasteur liều dùng cho:

Người lớn:

Liều thông thường từ 5 – 60 mg/ngày.

Bệnh xơ cứng rải rác: Liều 200 mg/ngày, dùng trong 1 tuần. Liều duy trì sau đó 80 mg/ngày, dùng cách ngày trong 1 tháng.

Viêm khớp dạng thấp: Liều khởi đầu 5 – 7,5 mg/ngày, điều chỉnh liều khi cần thiết.

Trẻ em:

Hen phế quản cấp: Liều1 – 2 mg/kg/ngày, chia làm 1 – 2 lần (tối đa 60 mg/ngày), trong 3 – 10 ngày.

Tuy nhiên, tuỳ theo mức độ tình trạng diễn tiến của bệnh. Người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn liều lượng chỉ định và thời gian điều trị của bác sĩ để đảm bảo đạt hiệu quả tối ưu nhất.

Liều dùng và sử dụng của thuốc Prednisolone

5.Cách xử lý nếu quên liều thuốc Prednisolone

Nếu người bệnh quên một liều Prednisolone, nên uống ngay khi nhớ ra trong ngày đó. Không dùng liều gấp đôi. Nếu gần đến giờ uống của liều tiếp theo, chỉ cần dùng liều tiếp theo vào đúng thời điểm đã lên kế hoạch.

6.Cách xử lý khi dùng quá liều thuốc Prednisolone

Dùng Prednisolon liều cao hay trong thời gian dài có thể gây ra các triệu chứng tâm thần, mặt tròn, ứ dịch, ăn nhiều, tăng cân, lắng đọng mỡ bất thường, rậm lông, tăng tiết mồ hôi, trứng cá, vân da, bầm máu, nhiễm sắc tố da, da vảy khô, chậm liền vết thương và xương, đau đầu, yếu mệt, rối loạn kinh nguyệt, các triệu chứng mãn kinh nặng hơn, bệnh thần kinh, loãng xương, gãy xương, loét dạ dày – tá tràng, tóc thưa, tăng huyết áp, nhịp tim nhanh, hạ kali huyết, viêm tĩnh mạch huyết khối, giảm sức đề kháng với nhiễm trùng, cân bằng nitrogen âm tính, giảm dung nạp glucose, suy thượng thận. Ở trẻ em thì chướng bụng, gan to.

Xử trí: Nếu người bệnh có bất kỳ biểu hiện bất thường nào do quá liều, cần ngừng thuốc và được đưa đến bệnh viện gần nhất để được hướng dẫn điều trị triệu chứng. Điều trị quá liều cấp: Có thể gây nôn hoặc rửa dạ dày ngay lập tức, sau đó hỗ trợ điều trị triệu chứng. Điều trị quá liều mạn: ở người bệnh mắc bệnh nặng phải tiếp tục dùng steroid, có thể giảm liều Prednisolon tạm thời hoặc luân phiên ngày điều trị. Đồng thời tích cực theo dõi huyết áp, kali huyết, calci huyết,…

7.Những lưu ý thận trọng khi sử dụng thuốc Prednisolone

Thuốc Prednisolone không sử dụng cho những trường hợp như:

  • Quá mẫn với Prednisolone hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.
  • Người có nhiễm khuẩn nặng, trừ sốc nhiễm khuẩn và lao màng não.
  • Người nhiễm trùng da do virus, nấm hoặc lao.
  • Người đang dùng vaccin virus sống.
  • Người có tiền sử viêm giác mạc cấp do Herpes simplex.
  • Người bệnh thuỷ đậu.

Thận trọng khi sử dụng thuốc Prednisolone cho các trương hợp sau:

  • Cần thận trọng khi dùng Prednisolone ở những người bệnh loãng xương, người mới nối thông ruột hay mạch máu, rối loạn tâm thần, loét dạ dày, loét tá tràng, đái tháo đường, suy tim, tăng huyết áp, trẻ đang lớn.
  • Thận trọng khi dùng Prednisolone toàn thân cho người cao tuổi, vì các tác dụng phụ của thuốc dễ xảy ra nhiều hơn. Nếu cần nên dùng liều thấp nhất và trong thời gian ngắn nhất.
  • Thận trọng khi dùng Prednisolone liều cao và trong thời gian dài, vì gây suy tuyến thượng thận cấp xảy ra khi ngừng thuốc đột ngột sau thời gian dài điều trị hoặc khi có stress.
  • Khi dùng Prednisolone liều cao, có thể giảm tác dụng của tiêm chủng vaccin.
  • Thận trọng khi dùng Prednisolone cho trẻ em, vì thuốc có thể nhạy cảm hơn với sự ức chế tuyến thượng thận khi điều trị thuốc bôi tại chỗ.
  • Thời kỳ mang thai: Dùng Prednisolone toàn thân liều cao hay dài ngày cho người mẹ có thể ảnh hưởng đến thai nhi như giảm trọng lượng của thai nhi, giảm chức năng của tuyến thượng thận thai nhi. Khuyến cáo không dùng Prednisolone cho phụ nữ trong kỳ mang thai
  • Thời kỳ cho con bú: Prednisolone tiết vào sữa mẹ với lượng dưới 1% liều dùng và có thể không có ý nghĩa lâm sàng. Khuyến cáo chỉ sử dụng Prednisolone ở người cho con bú nếu thực sự cần thiế.
  • Cần thận trọng với những người đang lái tàu xe hoặc vận hành máy móc, vì thuốc Prednisolone có thể gây ra chóng mặt, mệt mỏi.

8.Thuốc Prednisolone gây ra các tác dụng phụ nào

Thường gặp: Ăn nhiều, ngon miệng, tăng cân, khó tiêu, mất ngủ, thần kinh dễ bị kích động, rậm lông, đái tháo đường, rối loạn thần kinh, đau khớp, đục thủy tinh thể, glôcôm, chảy máu cam.

Ít gặp: Buồn nôn, nôn, chướng bụng, viêm loét thực quản, loét dạ ày – tá tràng, chóng mặt, nhức đầu, thay đổi tâm trạng, loạn tâm thần, cơn co giật, giả u não, mê sảng, ảo giác, sảng khoái, phù, tăng huyết áp, mụn trứng cá, teo da, thâm tím, tăng sắc tố da, hội chứng dạng Cushing, ức chế trực tuyến yên, thượng thận, chậm lớn, không dung nạp glucose, giảm kali huyết, giữ natri và nước, tăng glucose huyết, viêm tuỵ, yếu cơ, loãng xương, gãy xương, nhiễm kiềm, vô kinh, qua mẫn.

Tóm lại, trong quá trình sử dụng thuốc Prednisolone, người bệnh có bất kỳ biểu hiện bất thường nào nghi ngờ rằng do sử dụng thuốc Prednisolone thì cần tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ tư vấn để xử trí kịp thời.

Gây ra tác dụng phụ tăng cân 

9.Thuốc Prednisolone tương tác với các thuốc nào

 

  • Thuốc ức chế acetylcholinesterase, amphotericin B, cyclosporin, các thuốc lợi niệu quai, các thuốc lợi niệu thiazid, natalizumab, huốc chống viêm không steroid, các vắc xin sống, warfarin: Prednisolon có thể làm tăng nồng độ và tăng tác dụng của các thuốc này khi dùng chung.
  • Các thuốc chống nấm nhóm azol dùng toàn thân, các dẫn xuất estrogen, fluconazol, fosaprepitant, aprepitant, các thuốc chẹn kênh calci, cyclosporin,  kháng sinh nhóm macrolid, các thuốc ức chế dẫn truyền thần kinh cơ (loại không khử cực), các kháng sinh nhóm quinolon, các salicylat, trastuzumab: Làm tăng nồng độ và tăng tác dụng của Prednisolon khi được kết hợp đồng thời.
  • Natalizumab, các vắc xin sống: Khi dùng chung với Prednisolon sẽ làm mất hiệu lực của các thuốc này. Tránh phối hợp chung.
  • Thuốc chống đái tháo đường, calcitriol, corticorelin, isoniazid, các salicylat, các vắc xin (bất hoạt): Prednisolon sẽ làm giảm nồng độ và giảm tác dụng của các thuốc này khi được dùng chung.
  • Aminoglutethimid, các thuốc kháng acid, các barbiturat, các chất gắn acid mật, echinacea, primidon, các dẫn xuất rifamicin, phenytoin, carbamazepin: Làm giảm nồng độ và giảm tác dụng của Prednisolon khi được dùng chung.
  • Các Digitalis: có thể làm tăng nguy cơ loạn nhịp tim do hạ kali huyết khi được dùng chung với Prednisolon.
  • Phenytoin, phenobarbital, rifampicin và các thuốc lợi tiểu giảm kali huyết: Làm giảm hiệu lực của Prednisolone khi được dùng chung.
  • Insulin: Prednisolone có thể gây tăng glucose huyết, do đó cần dùng liều insulin cao hơn.
  • Thuốc chống viêm không steroid: Nguy cơ gây loét dạ dày tăng lên gấp 4-5 lần khi được dùng chung. Tránh phối hợp chung.

Tóm lại, tương tác thuốc có thể làm thay đổi tác dụng điều trị của thuốc hoặc làm tăng tác dụng phụ nặng hơn. Vì vậy, người bệnh nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc hoặc thông báo cho bác sĩ kê đơn biết những loại thuốc đang dùng có nguy cơ để giúp bác sĩ kê đơn hợp lý, an toàn và đạt lợi ích trong điều trị.

10.Bảo quản thuốc Prednisolone như thế nào

Prednisolone được bảo quản thuốc theo hướng dẫn khuyến cáo của nhà sản xuất. Nhiệt độ bảo quả dưới 30°C, tránh ẩm, tránh tiếp xúc ánh sáng mặt trời để đảm bảo giữ chất lượng thuốc.

DSCK1. NGUYỄN HỒNG DIỄM

Tài liệu tham khảo:

  1. Drugs.com: https://www.drugs.com/prednisolone.html
  2. Mims.com: https://www.mims.com/vietnam/drug/search?q=Prednisolone

Share this post