1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (1 votes, average: 5,00 out of 5)
Loading...
Chia sẻ:

Rau diếp cá: Công dụng chữa bệnh từ loài cây quen thuộc

Cây diếp cá từ lâu đã trở thành một loại rau sống quen thuộc trong bữa ăn của người Việt Nam. Không chỉ là thực phẩm, diếp cá còn được xem như một loại thảo dược với nhiều công dụng tuyệt vời, bao gồm thanh nhiệt, lợi tiểu, hỗ trợ điều trị mụn nhọt, lở ngứa và bệnh trĩ.

Đặc điểm của cây diếp cá

Theo Dược sĩ CKI Nguyễn Quốc Trung,  giảng viên Cao đẳng Dược TPHCM cho biết, Diếp cá (Herba Houttuyniae cordatae), còn được gọi là lá giấp, rau giấp cá hay ngư tinh thảo, thuộc họ Lá giấp (Saururaceae). Đây là loại cây thân thảo sống lâu năm, cao từ 20 – 40 cm. Thân ngầm bò ngang trong đất, có màu trắng, hơi có lông, và bén rễ tại các mấu. Thân đứng nhẵn, có màu lục hoặc tím đỏ. Lá mọc so le, hình tim, đầu nhọn; mặt trên màu lục sẫm, mặt dưới màu tím, có lông dọc theo gân lá. Cuống lá dài, có bẹ và lông ở mép. Cụm hoa mọc ở ngọn thân, mang nhiều hoa nhỏ màu vàng nhạt. Quả dạng nang.

Phân bố, thu hái và chế biến

Diếp cá phân bố rộng rãi tại Việt Nam, mọc hoang dại ở các vùng miền núi, trung du và đồng bằng. Cây thích hợp với môi trường đất ẩm, chịu bóng tốt và có thể sinh trưởng quanh năm. Bộ phận sử dụng chính là toàn cây (trừ rễ), có thể dùng tươi hoặc phơi sấy khô để bảo quản.

Thành phần hóa học

Trong diếp cá, phần trên mặt đất chứa khoảng 40 hợp chất thuộc ba nhóm chính: flavonoid, tinh dầu (khoảng 0,0049%) và alkaloid. Đặc biệt, lá chứa quercitrin (0,2%), trong khi hoa và quả có isoquercitrin.

Tác dụng theo y học cổ truyền

Diếp cá có vị cay, chua, mùi tanh, tính mát. Công dụng chính gồm:

  • Thanh nhiệt, giải độc.
  • Lợi tiểu.
  • Sát trùng.

Tác dụng theo y học hiện đại

Kháng khuẩn mạnh: Tinh dầu diếp cá có khả năng ức chế nhiều loại vi khuẩn, virus, bao gồm herpes (HSV-1), cúm, HIV-1, tụ cầu vàng, liên cầu khuẩn, trực khuẩn lỵ, nấm… Một nghiên cứu tại Trung Quốc cho thấy chiết xuất diếp cá có thể ức chế một dạng virus tương tự SARS.

Lợi tiểu: Hoạt chất quercitrin và isoquercitrin có tác dụng lợi tiểu mạnh, ngay cả ở nồng độ rất thấp.

Kháng viêm, tăng cường miễn dịch: Diếp cá còn hỗ trợ chống viêm, tăng cường chức năng miễn dịch và có tiềm năng chống ung thư, bệnh bạch cầu.

Ứng dụng trong đời sống

Giảng viên Trường Cao đẳng Dược Hà Nội cho hay, Diếp cá được sử dụng phổ biến dưới dạng rau sống hoặc chế biến thành thuốc. Một số công dụng cụ thể gồm:

  • Chữa táo bón, trĩ, mụn nhọt, lở ngứa.
  • Hỗ trợ điều trị viêm phổi, đau mắt đỏ, viêm ruột, kiết lỵ, kinh nguyệt không đều.
  • Dùng dưới dạng thuốc sắc, bột hoặc viên (liều khuyến nghị: 6 – 12 g cây khô hoặc 20 – 40 g cây tươi mỗi ngày).

Bài thuốc kinh nghiệm

  • Trĩ đau nhức: Dùng nước diếp cá để xông, ngâm rửa; phần bã đắp lên vùng bị đau. Kết hợp uống nước diếp cá tươi hoặc sắc uống trong ba tháng.
  • Tiểu buốt, tiểu dắt: Kết hợp diếp cá, rau má (mỗi loại 50 g), lá mã đề giã lấy nước uống.
  • Đau mắt đỏ, đau mắt do trực khuẩn mủ xanh: Giã nát lá diếp cá, trộn với lòng trắng trứng gà, đắp lên mí mắt trước khi ngủ.
  • Kinh nguyệt không đều: Vò nát lá diếp cá, thêm nước uống.
  • Viêm phổi, viêm ruột, kiết lỵ, viêm thận phù thũng: Sắc 50 g lá diếp cá lấy nước uống.
  • Viêm tuyến sữa: Giã nát lá diếp cá và lá cải trời (mỗi loại 30 g), vắt lấy nước uống; phần bã trộn giấm, đắp lên vùng bị viêm.

Lưu ý khi sử dụng

  • Không dùng cho người có thể trạng hư hàn, vì có thể làm tổn thương dương khí.
  • Người bị mụn nhọt thể âm không nên sử dụng.
  • Khi dùng diếp cá để chữa bệnh, nên tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Diếp cá không chỉ là một loại rau quen thuộc mà còn là thảo dược quý, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nếu sử dụng đúng cách.

Share this post