Dưới góc nhìn thông thường, Rau muống biển có thể chỉ là một loài cây dại giản đơn và quen thuộc. Tuy nhiên, trong y học cổ truyền, đây lại là một vị thuốc quý với nhiều công dụng chữa bệnh đáng chú ý. Vậy đặc điểm và công dụng của dược liệu này ra sao? Mời bạn cùng khám phá qua bài viết dưới đây.
Rau muống biển là gì?
Theo Dược sĩ, giảng viên Cao đẳng Dược TPHCM cho biết, Rau muống biển, còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như Mã an đằng, Hải khiên ngưu, Mã đề thảo,… có tên khoa học là Ipomoea pes-caprae (L.), thuộc họ Bìm bìm (Convolvulaceae).
Đây là loài cây thân thảo mọc bò, thân dày và phân nhiều nhánh. Cây có khả năng mọc lan rộng, đến đâu bén rễ đến đó. Thân cây có màu tím, đặc ruột (khác với rau muống thường vốn rỗng thân), hai bên thân có hai đường rãnh nông chạy dọc. Cành, thân và lá đều có chứa nhựa trắng như sữa.
Lá mọc so le, hình gần vuông với gốc lá hình tim, đầu lá hơi tròn và xẻ làm đôi, trông giống móng chân trâu hoặc yên ngựa. Phiến lá dài khoảng 3 – 7 cm, rộng 2 – 5 cm, hai mặt lá nhẵn bóng, cuống lá dài 5 – 7 cm. Lá non thường cụp lại với hai mảnh ôm sát nhau.
Hoa có màu tím, hình phễu, khá giống hoa rau muống thường, mọc thành xim ở kẽ lá. Cuống hoa dài khoảng 2 – 4 cm, nở vào mùa hè và thu.
Quả nang hình cầu, đường kính khoảng 2 cm, bên trong chứa 4 hạt có hình tam giác, phủ lớp lông màu vàng nâu.
Phân bố
Rau muống biển phân bố rộng rãi tại nhiều quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan, Philippines… Ở Việt Nam, loài cây này mọc hoang phổ biến ở các bãi cát ven biển. Cây không chỉ có vai trò giữ đất, chống xói mòn bờ biển mà còn được người dân thu hái làm thức ăn cho gia súc như trâu, bò, ngựa, heo,…
Bộ phận dùng, thu hái và chế biến
-
Bộ phận dùng: Toàn cây.
-
Thu hái – chế biến: Có thể thu hái quanh năm. Dược liệu có thể dùng tươi hoặc phơi khô để bảo quản và sử dụng dần.
Thành phần hóa học
Thân cây chứa:
-
Nhựa (7,27%), tinh dầu (0,048%)
-
Các hợp chất: pentatriacontane, triacontane, sterol, acid behenic, acid melissic, acid butyric, acid myristic, acid benzoic, acid caproic, acid caprylic, β-sitosterol, n-triacontane…
Lá cây chứa:
-
Actinidol, ergomitrin, ergotamine, isoquercitrin, eugenol, iso-adenostylon
-
Các loại acid hữu cơ: malic, fumaric, mellein, citric, tartaric, succinic…
Rễ cây chứa:
-
Alkaloid (các hoạt chất có tác dụng sinh học mạnh)
Tác dụng theo Y học cổ truyền
Giảng viên Trường Cao đẳng Dược Hà Nội cho hay, Trong Đông y, Rau muống biển có vị cay, đắng, tính hơi hàn, mang đến các công dụng sau:
-
Khu phong, trừ thấp
-
Tiêu viêm, tiêu ung, tán kết
-
Chữa phong thấp, tê mỏi, phù thũng
-
Thông tiểu tiện
-
Trị rắn cắn, các loại ung nhọt, mụn mủ
-
Dùng ngoài giúp làm dịu vết loét, bỏng, viêm da, mụn nhọt
-
Hỗ trợ điều trị trĩ và trĩ xuất huyết
-
Hạt và lá giúp giảm căng thẳng, mệt mỏi
Một số bài thuốc dân gian từ Rau muống biển
Chữa tê bại tay chân, đi lại khó khăn
-
Dược liệu: Rau muống biển 14g, Xấu hổ 20g, Cỏ xước 16g, Ké đầu ngựa 12g, Huyết rồng 16g, Thần xạ 16g, Dầu lai biển 8g, Cây duối 16g
-
Cách dùng: Sắc uống mỗi ngày 1 thang
Chữa đau lưng
-
Dược liệu: Rau muống biển 14g, Tang ký sinh 20g, Tang thầm 12g, Thổ phục linh 14g, Địa long 12g, Nghệ đen 12g, Mắc cỡ 14g, Cam thảo 8g, Gai yết hầu 12g
-
Cách dùng: Sắc uống ngày 1 thang
Chữa tê phù, chân sưng đau, đi lại khó khăn
-
Dược liệu: Rau muống biển 10g, Hạt cau rừng 10g, Ké đầu ngựa 16g, Trần bì 6g, Ngũ gia bì 16g, Sinh địa 10g, Hương phụ 10g, rễ Cỏ xước 15g, Chỉ xác 8g, Ý dĩ 15g, Ngải cứu 10g, Cam thảo dây 15g, Quế chi 8g, Tơ hồng 10g, Can khương 8g
-
Cách dùng: Sắc uống mỗi ngày 1 thang
Chữa đau thần kinh tọa
-
Dược liệu: Rau muống biển 20g, Cây hoa giấy 20g, Tế tân 12g, Xấu hổ 20g, Cỏ xước 20g, Cối xay 20g
-
Cách dùng: Sắc uống ngày 1 thang
Hy vọng bài viết đã giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về Rau muống biển – một loài cây ven biển nhưng lại tiềm ẩn nhiều giá trị dược liệu quý báu. Tuy nhiên, việc sử dụng các bài thuốc dân gian cần có sự thận trọng. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả, người bệnh nên tham khảo ý kiến của các thầy thuốc hoặc chuyên gia y học cổ truyền trước khi sử dụng.