Tang ký sinh là một loại thực vật thuộc họ Tầm gửi, thường sống ký sinh trên cây dâu (tang), vì vậy được gọi là Tang ký sinh. Trong Đông y, dược liệu này có tác dụng khu phong trừ thấp, giảm đau nhức tê mỏi, bổ Can Thận, cường gân kiện cốt, an thai và lợi sữa.
Tang ký sinh là gì?
Theo Dược sĩ, giảng viên Cao đẳng Dược TPHCM cho biết, Tang ký sinh, còn gọi là Tầm gửi cây dâu hay Phoc mạy mọn (theo tiếng Tày), có tên khoa học là Taxillus gracilifolius (Schult.f.), thuộc họ Tầm gửi (Loranthaceae). Đây là một loài cây sống ký sinh trên cây dâu tằm, được sử dụng phổ biến trong y học cổ truyền với tên gọi Tang ký sinh.
Đặc điểm thực vật và sinh thái
Tang ký sinh là loài cây nhỏ, thường xanh, sống nhờ vào thân cây dâu tằm bằng các rễ mút. Cành cây có dạng hình trụ, màu xám hoặc nâu đen, thường khúc khuỷu. Lá mọc so le, hình bầu dục, dài từ 3 – 8cm, rộng 2,5 – 5cm; đầu lá tù hoặc hơi lõm, mép hơi lượn sóng, có gân phụ cong và cuống ngắn.
Hoa mọc thành chùm ngắn ở kẽ lá, gần giống hình tán, có lá bắc hình tam giác nhỏ. Hoa có màu đỏ hoặc hồng tím; đài hình chùy với răng rất nhỏ, tràng hoa hình trụ phình ở giữa, có lông. Mỗi hoa có 4 nhị, chỉ nhị dài hơn bao phấn và bầu hạ. Quả có dạng bầu dục, trên quả còn dấu vết của đài hoa. Mùa hoa và quả kéo dài từ tháng 1 đến tháng 3 hàng năm.
Dược liệu Tang ký sinh
Bộ phận dùng làm thuốc là thân và cành đã được thu hái, cắt khúc. Dược liệu có hình trụ, phân nhánh, trên bề mặt có màu nâu xám, xuất hiện nhiều lỗ bì nhỏ và các vết nứt ngang. Khi bẻ ngang có thể thấy rõ ba phần: lớp vỏ mỏng màu nâu, phần gỗ trắng ngà và lõi xám xốp. Lá khô có thể còn nguyên hoặc bị cắt mảnh, hình trái xoan, màu nâu xám, đầu và gốc hơi nhọn, gân lá dạng lưới.
Thành phần hóa học
Tang ký sinh chứa các hợp chất sesquiterpene lacton thuộc nhóm coriaria lacton, điển hình như coriamyrtin, tutin, corianin và coriatin. Đây là những chất có hoạt tính sinh học cao, góp phần vào công dụng dược lý đa dạng của cây.
Công dụng của Tang ký sinh
Theo y học cổ truyền
Trong Đông y, Tang ký sinh có vị đắng, quy vào kinh Can và Thận. Tác dụng chính gồm:
-
Bổ can thận
-
Khu phong trừ thấp
-
Mạnh gân cốt
-
An thai
-
Lợi sữa
Thường được dùng trong các trường hợp đau nhức gân cốt, tê bại, đau lưng mỏi gối, động thai, hoặc phụ nữ sau sinh không có sữa.
Trong y học cổ truyền Trung Quốc, cây còn được dùng để bổ huyết, điều trị thiếu máu, đau bụng kinh, thấp khớp và tăng cường sức khỏe cho người bệnh mạn tính. Tại Ấn Độ, lá cây được giã nát đắp ngoài để trị mụn nhọt và lở loét.
Theo y học hiện đại
Giảng viên Trường Cao đẳng Dược Hà Nội cho hay, Nhiều nghiên cứu đã xác nhận Tang ký sinh có các hoạt tính sinh học như bảo vệ thần kinh, an thần, chống ung thư, điều hòa miễn dịch, kháng vi rút, lợi tiểu, hạ huyết áp, chống oxy hóa và đột biến, giải độc gan thận; đặc biệt, một nghiên cứu năm 2014 cho thấy dược liệu này giúp cải thiện nhận thức và bảo vệ hệ thần kinh ở chuột bị suy giảm trí nhớ.
Cách sử dụng Tang ký sinh
Thu hái và bào chế
Dược liệu có thể được thu hái quanh năm. Sau khi thu hái, cần loại bỏ tạp chất, cắt khúc và phơi khô trong bóng râm. Tùy vào mục đích điều trị, có thể sao qua hoặc tẩm rượu rồi sao trước khi sử dụng.
Liều dùng
Liều dùng thông thường từ 12 – 20g mỗi ngày, dưới dạng thuốc sắc hoặc hãm uống thay trà. Thường được phối hợp với các dược liệu khác trong các bài thuốc cổ phương.
Bài thuốc có sử dụng Tang ký sinh
Bài “Độc hoạt Tang ký sinh thang”
Công dụng: Trị đau nhức xương khớp, mỏi lưng, tê mỏi, bổ can thận, mạnh gân cốt.
Thành phần: Độc hoạt 8g, Tang ký sinh 12g, Tần giao 12g, Phòng phong 8g, Tế tân 4g, Đương quy 12g, Bạch thược 12g, Xuyên khung 6g, Sinh địa 12g, Đỗ trọng 12g, Ngưu tất 8g, Nhân sâm 4g, Phục linh 12g, Nhục quế 4g, Cam thảo 4g
Cách dùng: Sắc uống mỗi ngày 1 thang.
Bài thuốc trị tăng huyết áp có kèm đau đầu, chóng mặt
Thành phần: Chi tử 12g, Ngưu tất 12g, Xuyên khung 8g, Tang ký sinh 16g, Câu đằng 12g, Ý dĩ 12g, Trạch tả 8g
Cách dùng: Sắc uống mỗi ngày một thang.
Bài thuốc trị động thai, đau bụng
Thành phần: Tang ký sinh 60g, A giao (hoặc cao ban long đã nướng) 20g, Lá ngải cứu 20g
Cách dùng: Sắc kỹ, chia làm 3 lần uống trong ngày.