Cây thồm lồm mọc hoang ở nhiều vùng thôn quê Việt Nam. Trẻ em ở một số nơi thường hái ăn vì vị chua của nó. Ít người biết rằng cây thồm lồm còn có tác dụng chữa nhiều bệnh như viêm da, kiết lỵ, và sốt rét. Dưới đây là thông tin chi tiết về đặc tính và công dụng của cây thồm lồm.
Đặc điểm của cây thồm lồm
- Tên khoa học: Polygonum sinense L.
- Tên khác: Mía bẻm, đuôi tôm, cây lôm, chuồng chuồng, mía giò, mía nung, săm koy (Luang Prabang).
- Thuộc họ: Rau răm – Polygonaceae.
- Phân bố: Cây thồm lồm chủ yếu phân bố ở các nước như Lào, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia. Ở Việt Nam, cây mọc hoang tại đồng bằng, rừng thưa, đất ruộng, bụi cây và bờ rào ven đường.
- Mô tả: Theo Dược sĩ CKI Nguyễn Quốc Trung, giảng viên Cao đẳng Dược TPHCM cho biết, Cây thồm lồm là cây thân thảo, đứng và sống dai. Thân nhẵn, có rãnh dọc, có thể dài từ 2-3m và leo lên cây cao. Lá nguyên, hình bầu dục hoặc hơi thuôn, mọc so le. Cuống lá hơi tròn, các lá phía trên nhỏ hơn và gần như không có cuống, ôm vào thân. Lá dài khoảng 4-7cm, rộng 3-5cm, có 2 tai nhỏ tròn ở phía dưới. Bẹ chìa mỏng ôm lấy 2/3 đốt. Cụm hoa hình đầu, mọc thành chùm xim dài 5-7cm, chứa nhiều hoa nhỏ màu trắng. Hoa thường nở từ tháng 6-8. Quả nhỏ, 3 cạnh thuôn dài, có hạch cứng và khi chín sẽ màu đen, thường xuất hiện từ tháng 9-10. Thân cây có vị ngọt, là món khoái khẩu của trâu bò.
- Thành phần hóa học: Cây thồm lồm chứa các hợp chất như myricyl alcohol, oxymethylanthraquinon, rubin, anthraquinon, rheum emodin, glucosid, vitamin C và caroten.