1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (3 votes, average: 2,33 out of 5)
Loading...
Chia sẻ:

Điều trị bệnh ra mồ hôi tay, chân bằng phương pháp Đông y

Ra mồ hôi tay chân là một tình trạng lâm sàng khó khăn. Việc điều trị phụ thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh cũng như đáp ứng điều trị của từng cá nhân.

Theo duochocvietnam.edu.vn, Tỳ chủ cơ nhục, phụ trách vận hóa thủy cốc và phân bố các chất tinh vi phân bố ra tứ chi. Khi Tỳ Vị bị bệnh, quá trình vận hóa thất thường, tân dịch sẽ tràn ra tay chân làm xuất hiện tượng lòng bàn tay và bàn chân đổ mồ hôi. Chứng tăng tiết mồ hôi tay, chân chủ yếu do bệnh lý ở tỳ vị, đồng thời các tạng phủ khác cũng có liên quan. Biểu hiện triệu chứng lâm sàng sẽ giúp hiểu rõ hơn cơ chế bệnh sinh của chứng này.

Tăng tiết mồ hôi lòng bàn tay chân là một chứng bệnh thường do di truyền. Đa số bắt đầu trong thời thơ ấu hay lứa tuổi vị thành niên. Nam nữ đều có thể mắc bệnh kéo dài trong nhiều năm. Sau 25 tuổi, bệnh có thể được giảm một cách tự nhiên. Tay chân bị mồ hôi ẩm ướt kéo dài, sẽ dễ dàng bong tróc, nứt nẻ, viêm da, tổn thương mô do lạnh giá, mụn cóc hoặc nhiễm nấm ngoài da.

Dưới đây là một số phương pháp Đông y điều trị bệnh này do y sĩ Y học cổ truyền, giảng viên Nguyễn Xuân Xã hiện đang công tác tại Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn sưu tầm, mời bạn đọc tham khảo:

Tỳ vị thấp nhiệt

Triệu chứng: ra nhiều mồ hôi tay chân, kèm ngực bụng đầy tức, chán ăn, cơ thể nặng nề, thân nhiệt không tăng, nước tiểu sẫm màu lượng ít, đại tiện không thông, rêu lưỡi vàng, nhầy dính, mạch phù sác hoặc phù hoạt.

Phương pháp điều trị: Thanh nhiệt, táo thấp, hòa trung.

Bài thuốc điển hình: Tam nhân thang gia thêm bạch truật

Tỳ vị hư hàn

Triệu chứng: ra nhiều mồ hôi tay chân, kèm theo tay chân không ấm áp, xanh xao, kém ăn, cơ thể mệt mỏi, tiểu tiện bất lợi, lưỡi nhạt rêu lưỡi trắng, mạch hư nhược.

Phương pháp điều trị: ôn bổ trung dương.

Bài thuốc điển hình: Lý trung thang gia thêm ô mai.

Tâm dương bất túc

Triệu chứng: ra nhiều mồ hôi lòng bàn tay, ở tay nhiều hơn. Khi căng thẳng tinh thần thì tăng tiết mồ hôi gia tăng, ngủ không yên.

Phương pháp điều trị: Dưỡng tâm, an thần, cầm mồ hôi.

Bài thuốc điển hình: Quế chi thang gia long cốt, mẫu lệ, quy bản, toan táo nhân, phù tiểu mạch.

Phương pháp Châm cứu

Châm cứu có thể điều trị hỗ trợ chứng tăng tiết mồ hôi tay chân. Nó có thể tăng cường sự ổn định thần kinh, điều tiết nội tiết, nhằm đạt được mục đích ức chế sự tiết mồ hôi.

Đông Y cho rằng tăng tiết mồ hôi lòng tay chân chủ yếu do bệnh lý ở tỳ vị hoặc can kinh uất nhiệt làm ảnh hưởng đến tỳ, dẫn đến sự điều hòa tân dịch trong cơ thể bị rối loạn làm cho mồ hôi tăng tiết ở tứ chi. Các huyệt vị thường được sử dụng để châm cứu là: tỳ du (Bl 20), vị du (Bl 21), trung quản (Cv 12), chương môn (Lr 13), khúc trì (Li 11), hợp cốc (Li 4), túc tam lý (St 36), tam âm giao (Sp 6), âm lăng tuyền (Ht 6) v.v.

Ngoài ra, tăng tiết mồ hôi cục bộ cũng có liên quan đến hệ thống kinh lạc tuần hành qua vị trí lòng bàn tay chân như: Kinh thủ quyết âm tâm bào lạc, kinh thủ thiếu âm Tâm, Túc thiếu âm thận. Thủ pháp châm cứu cũng có tác dụng sơ thông và điều hòa kinh mạch.

Phương pháp Bấm huyệt

Phương pháp 1: Nội quan (Pc 6) và thần môn (Ht 7). Dùng lực ấn 5 giây, ngừng 2 giây, mỗi huyệt ấn 5 phút, có tác dụng ninh tâm an thần.

Phương pháp 2: Dùng ngón tay cái xoa ấn lòng bàn tay, đặc biệt là day ấn các huyệt huyệt thiếu phủ (Ht 8), lao cung (Pc 8) trong vòng 1 phút. Tác dụng thanh trừ tâm thận hư nhiệt.

Phương pháp 3: Ra mồ hôi kèm theo lòng bàn tay nóng, người buồn bực khó chịu, khó vào giấc ngủ. Ngoài day ấn huyệt lao cung (Pc 8) và thiếu phủ (Ht 8), cần day ấn thêm huyệt dung tuyền (Ki 1) ở lòng bàn chân.

Share this post