Nifedipine là thuốc được nhiều chuyên gia y tế đánh giá cao về hiệu quả điều trị các cơn huyết áp cao và các cơn đau thắt ngực cho người bệnh. Thuốc Nifedipine nhanh chóng giúp kiểm soát tốt được các tình trạng cao huyết áp đưa về mức ổn định, giúp đảm bảo cân bằng lại sức khỏe của người bệnh. Mặc dù, thuốc Nifedipine là giải pháp được ưu tiên lựa chọn chỉ định cho một số đối tượng nhưng người bệnh cũng cần biết thông tin về thuốc Nifedipine và những cảnh báo lưu ý khi sử dụng để đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả tốt nhất.
Nifedipine là thuốc gì?
Theo các Dược sĩ Cao đẳng Dược, Nifedipine là thuốc nằm trong nhóm thuốc chẹn kênh canxi. Thuốc có tác dụng làm hạ huyết áp bằng cách chống lại sự xâm nhập của calci vào nội bào. Do đó làm ức chế sự co bóp của các tế bào cơ trơn, làm giãn mạch máu giúp giảm áp lực máu lên động mạch và thư giãn các cơ tim, từ đó làm giảm huyết áp và chống cơn đau thắt ngực.
Các dạng thuốc và hàm lượng của Nifedipine?
Nifedipine được sản xuất trên thị trường với dạng thuốc và hàm lượng như Viên nén bao phim tác dụng kéo dài 10mg, 20mg, 30mg, 60mg, 90mg; Viên nang giải phóng ngay 5mg, 10mg.
Một số biệt dược trên thị trường: Brand name: Adalat, Adalat LA, Adalat retard.
Generic: Nifedipin Balkanpharma, Calnif retard, Nifedipin Danapha, Nifedipin Nam Hà, Nifephabaco, Fascapin, Pymenife, PymeNife retard, Trafedin, pms-Nifedidin, Kafedipin, Avensa LA, Nifedipin Hasan retard, Nifedipin Stada, Nifedipn T20 Stada retard, Zidimet, Napincure, Nifeital, Carditas Retard.
Thuốc Nifedipine dùng cho những trường hợp nào?
Thuốc Nifedipin được chỉ định trong các trường hợp như:
Điều trị cao huyết áp
Điều trị điều trị đau thắt ngực Prinzmetal và đau thắt ngực ổn định mãn tính.
Dự phòng cơn đau thắt ngực liên quan đến bệnh mạch vành.
Điều trị bệnh Raynaud, là một bệnh thiếu máu đầu chi do các mạch máu co lại quá nhiều khi lạnh hoặc căng thẳng.
Dự phòng bệnh suy tim và đột quỵ
Cách dùng – Liều lượng Nifedipine?
Thuốc Nifedipine dùng bằng đường uống với nhiều nước. Nên uống thuốc sau bửa ăn sáng và bữa tối là hợp lý nhất. Nuốt toàn bộ viên thuốc, không được nghiền nát viên hoặc nhai hoặc làm vỡ viên nang.
Liều lượng thuốc Nifedipine được tính dựa trên tình trạng tiến triển của bệnh và có đáp ứng với điều trị. Bác sĩ có thể tăng dần liều Nifedipine cho bạn một cách từ từ để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất.
Liều dùng khuyến cáo cho người lớn:
Tăng huyết áp: Liều 10 – 40 mg/lần x 2 lần/ngày. Hoặc liều 30 – 90 mg/lần, ngày uống 1 lần.
Dự phòng đau thắt ngực: Liều 10 – 40 mg/lần x 2 lần/ngày. Hoặc liều 30 – 90 mg/lần, ngày uống 1 lần.
Liều dùng trên đây là để tham khảo, người bệnh cần uống đúng liều, đúng liệu trình theo chỉ định của bác sĩ để có được nhiều lợi ích nhất. Để giúp bạn ghi nhớ dùng thuốc, hãy uống thuốc vào những thời điểm giống nhau mỗi ngày.
Người bệnh không nên ngừng sử dụng Nifedipine đột ngột, vì khi dừng đột ngột có thể làm bệnh trở nên xấu hơn.
Cách xử lý nếu quên liều thuốc Nifedipine?
Nếu quên một liều Nifedipine, người bệnh nên uống ngay khi nhớ ra trong ngày đó. Nếu gần đến thời điểm uống của liều tiếp theo, chỉ cần dùng liều tiếp theo vào đúng thời điểm. Không dùng liều gấp đôi.
Những lưu ý khi sử dụng thuốc Nifedipine?
Không dùng Nifedipine cho những trường hợp sau: Người có tiền sử mẫn cảm với Nifedipine hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc; Phụ nữ có thai hay đang cho con bú; Người trụy tim mạch; Hẹp động mạch chủ nặng; Đau thắt ngực không ổn định; Người đang trong thời kỳ hoặc trong vòng một tháng có nhồi máu cơ tim; Đau thắt ngực kịch phát cấp tính; Tăng huyết áp ác tính; Phòng ngừa thứ cấp nhồi máu cơ tim; Sốc tim mạch; Rối loạn chuyển hóa porphyrin cấp; Hen phế quản hoặc mắc các bệnh hô hấp khác liên quan đến phản ứng quá mức rõ rệt của đường hô hấp.
Tránh ăn bưởi hoặc uống nước bưởi trong khi dùng thuốc Nifedipine. Bởi vì nước ép bưởi có thể làm tăng nồng độ thuốc Nifedipine trong máu của bạn, dẫn đến tình trạng hạ huyết áp quá mức.
Người bệnh nên kiểm tra sức khoẻ định kỳ bao gồm đo huyết áp, xét nghiệm chức năng gan, xét nghiệm chức năng thận, đo điện tâm đồ để theo dõi sự tiến triển tiến triển bệnh của bạn. Đồng thời theo dõi các tác dụng phụ khi điều trị bằng Nifedipine.
Thận trọng vơi tình trạng người bệnh giảm thể tích tuần hoàn, suy chức năng tâm thu thất trái, sốc tim, lái xe, vận hành máy móc
Những trường hợp phải ngừng sử dụng thuốc như: Cơn đau ngực của người bệnh trầm trọng hơn hoặc xuất hiện thường xuyên hơn sau khi sử dụng Nifedipine, sử dụng thuốc cho người suy tim làm suy tim trở nên nặng hơn. Nên ngừng dùng thuốc và báo cho bác sĩ biết để xử trí kịp thời.
Trường hợp cần phải giảm liều thuốc Nifedipine: Tổn thương gan thận, bệnh nhân bị đái tháo đường.
Nifedipine gây ra các tác dụng phụ cần lưu ý nào?
Nifedipine gây ra một số tác dụng phụ phổ biến như: Chóng mặt, đỏ mặt, nhức đầu, hạ huyết áp, phù ngoại biên (phù mắt cá chân), tim đập nhanh và hồi hộp. Buồn nôn và các rối loạn tiêu hóa khác, tiểu nhiều, đau mắt, rối loạn thị giác, suy nhược, tăng sản nướu, đau cơ, run, bất lực, dị ứng ngứa, nổi mề đay, phát ban.
Nifedipine còn gây tăng tác động nghịch lý của cơn đau thắt ngực do thiếu máu cục bộ xảy ra khi bắt đầu điều trị và bị hạ huyết áp quá mức dẫn đến thiếu máu cơ tim hoặc thiếu máu não.
Trên đây không phải là tất cả các tác dụng phụ có thể có của Nifedipine. Các tác dụng phụ khác hoặc những tác dụng mong muốn có thể xảy ra cho người bệnh khi sử dụng.
Tóm lại, người bệnh nên thận trọng với bất kỳ tác dụng không mong muốn nào xảy ra khi sử dụng thuốc. Nếu bạn có bất kỳ tác dụng phụ, hay gặp những phản ứng không mong muốn khác hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ để xử trí kịp thời.
Người bệnh làm gì khi dùng quá liều Nifedipine?
Dược sĩ CKI Nguyễn Hồng Diễm – giảng viên Cao đẳng Dược TPHCM chia sẻ rằng, Nếu dùng quá liều Nifedipine có thể gây ra các triệu chứng như chóng mặt, nhịp tim không đều, buồn nôn, bối rối, buồn ngủ. Người bệnh cần đến cơ sở y tế để được hỗ trợ hướng dẫn điều trị triệu chứng và đồng thời sử dụng các biện pháp hữu hiệu để loại bỏ phần thuốc còn chưa được hấp thu ở đường tiêu hoá.
Nifedipine tương tác với các thuốc nào?
Dùng Nifedipine chung với một số thuốc tương tác có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc đe dọa tính mạng hoặc ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị của Nifedipine.
Nifedipine được chuyển hoá qua bởi enzyme cytochrom P450 3A4, enzyme này có ở cả niêm mạc ruột và gan. Vì thế những thuốc khác có tác dụng ức chế hoặc cảm ứng hệ thống enzym này có thể làm thay đổi chuyển hóa lần đầu sau khi uống hoặc làm thay đổi độ thanh thải của Nifedipine khi dùng chung.
Nifedipine có thể tương tác với các thuốc sau đây:
Rifampicin: Rifampicin gây cảm ứng mạnh hệ thống cytochrom P450 3A4. Khi dùng chung với Nifedipine. Rifampicin làm giảm hiệu quả điều trị của Nifedipine. Không nên sử dụng phối hợp Nifedipine và Rifampicin.
Erythromycin, Ritonavir, Ketoconazole, Fluoxetine, Nefazodone, Cimetidine: Các thuốc này gây ức chế enzyme cytochrom P450 3A4, khi phối hợp chung với Nifedipine, các thuốc này làm tăng nồng độ Nifedipine huyết tương, có thể làm tăng hạ huyết áp quá mức.
Quinupristin hoặc Dalfopristin: Nifedipine sử dụng đồng thời với Quinupristin/ Qalfopristin, có thể dẫn đến tăng nồng độ của Nifedipine trong huyết tương.
Canxi, vitamin D: có thể làm giảm tác dụng của Nifedipine.
Các thuốc hạ huyết áp khác: Nifedipine làm tăng tác dụng hạ huyết áp của các thuốc hạ huyết áp khác nếu sử dụng đồng thời như: Thuốc lợi tiểu; Thuốc chẹn β; Thuốc ức chế men chuyển (ACE inhibitor), đối kháng thụ thể angiotensin 1 (AT1); Thuốc đối kháng AT-1; Các thuốc đối kháng calci khác; Các thuốc chẹn α adrenergic; Chất ức chế PDE5; α-methyldopa.
Digoxin: Sử dụng đồng thời Nifedipine và Digoxin, có thể làm giảm thải trừ Digoxin và do đó tăng nồng độ của Digoxin trong huyết tương. Cần theo dõi thận trọng và kiểm tra các triệu chứng quá liều Digoxin, nếu cần thiết nên giảm liều Digoxin khi xác định được nồng độ Digoxin trong huyết tương.
Theophyllin: Nifedipine có thể làm tăng nồng độ Theophylline trong huyết tương.
Vincristine: Nifedipine làm giảm thải trừ của Vincristine, làm tăng các tác dụng không mong muốn của Vineristine. Nếu cần thiết thì giảm liều Vincristine.
Các Cephalosporin: Khi dùng Nifedipine chung với các Cephalosporin như Cefixim,..nhận thấy nồng độ của các Cephalosporin trong huyết tương tăng lên.
Trên đây không phải là những loại thuốc duy nhất có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc bị thay đổi nồng độ khi dung chung với Nifedipine. Nifedipine có thể bị tăng hoặc giảm nồng độ khi dùng chung với các loại thuốc khác. Người bệnh cần báo cho bác sĩ điều trị biết về tất cả các loại thuốc bạn đang dùng, giúp cho bác sĩ thay đổi liều lượng hoặc giảm liều hoặc ngừng dùng các loại thuốc khác của bạn nếu xét cần thiết khi bạn đang dùng Nifedipine.
Nifedipine tương tác với thực phẩm nào?
Nước ép bưởi: Nước ép bưởi ức chế hệ thống enzyme cytochrom P450 3A4. Do đó sử dụng Nifedipine cùng với nước ép bưởi sẽ làm tăng nồng độ của Nifedipine trong huyết tương do làm giảm chuyển hoá lần đầu hoặc làm giảm thải trừ của thuốc. Vì vậy tác dụng hạ huyết áp của Nifedipine sẽ tăng lên quá mức. Nên tránh ăn bưởi hoặc uống nước ép bưởi khi đang dùng Nifedipine.
Nifedipine là một trong những thuốc được chỉ định điều trị cao huyết áp và dự phòng cơn đau thắt ngực. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc Nifedipine để điều trị người bệnh cần phải có chỉ định của bác sĩ kê đơn. Trong quá trình sử dụng nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, hãy liên hệ ngay bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn.
Bảo quản Nifedipine như thế nào?
Nifedipine nên bảo quản ở nhiệt độ phòng dưới 30°C, khô thoáng, tránh ánh sáng để đảm bảo giữ chất lượng thuốc.
Thông tin của bài viết trên mang tính chất tham khảo cho người dùng thuốc. Người bệnh không tự ý dùng thuốc Nifedipine, nên xin ý kiến tư vấn hướng dẫn của bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng thuốc Nifedipine.
DSCK1. NGUYỄN HỒNG DIỄM
Tài liệu tham khảo:
- Drugs.com: https://www.drugs.com/nifedipine.html
- Meorg.uk: https://www.medicines.org.uk/emc/product/6314/smpc