1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (1 votes, average: 5,00 out of 5)
Loading...
Chia sẻ:

Cây rau dớn: Công dụng chữa bệnh không phải ai cũng biết

Rau Dớn hay tên gọi khác là Rau dớn rừng, Dớn nhọn… thường được dùng trong bữa ăn hàng ngày, ngoài ra còn có tác dụng làm thuốc, với nhiều tác dụng như giải nhiệt, lợi tiểu, ngăn ngừa bệnh lý và rất tốt cho phụ nữ mang thai.

Cây rau dớn là gì?

Theo Dược sĩ CKI Nguyễn Quốc Trung,  giảng viên Cao đẳng Dược TPHCM cho biết, Rau dớn là một loài dương xỉ có thân rễ ngắn, mọc bò và sống lâu năm, với chiều cao trung bình từ 0,5 – 1m. Lá của cây có dạng kép lông chim, thay đổi theo độ trưởng thành: lá non chỉ có một cấp trong khi lá già phân nhánh hai cấp. Phiến lá có hình ngọn giáo, dài, mọc so le và bao gồm 12-16 cặp lá chét sắp xếp cách nhau. Các lá chét phía trên không có cuống, còn lá chét phía dưới thường có cuống ngắn.

Bào tử của cây được chứa trong các ổ túi bào tử nhỏ, hình tròn, phân bố đều trên gân phụ ở mặt dưới lá. Bào tử có màu vàng sáng, hình bầu dục và mang một mào hẹp.

Về hình dáng bên ngoài, rau dớn có nhiều điểm tương đồng với các loại dương xỉ khác nhưng kích thước nhỏ hơn. Cây có cành dài, lá nhỏ xòe rộng giống hình tán ô, đầu lá cong như móc câu. Đặc biệt, những lá non vươn thẳng lên, trong khi phần thân trên có xu hướng uốn cong giống vòi voi.

Phân bố sinh thái

Tại Việt Nam, rau dớn phân bố chủ yếu ở các tỉnh miền núi như Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang, Cao Bằng… Đây là loài thực vật ưa ẩm, chịu bóng hoặc có thể phát triển trong môi trường hơi có ánh sáng. Cây thường mọc tập trung thành từng đám lớn, đặc biệt ở những khu vực rừng mới bị tàn phá, dọc bờ khe suối hoặc ven rừng.

Điều kiện sinh trưởng lý tưởng của rau dớn là khí hậu ẩm mát ở vùng núi cao. Cây có khả năng chịu lạnh kéo dài và ra lá non quanh năm. Tuy nhiên, tại các khu vực có khí hậu nhiệt đới núi cao như Sa Pa, Sìn Hồ, mùa lá non thường tập trung vào khoảng tháng 3 – 5. Mỗi khóm cây nhỏ chỉ phát triển khoảng 1 – 3 lá mới mỗi năm.

Loại cây này từ lâu đã gắn bó với đời sống của đồng bào dân tộc miền núi, được thu hái để sử dụng trong thực phẩm và y học. Hiện nay, rau dớn ngày càng phổ biến hơn, xuất hiện tại các đô thị và đồng bằng dưới dạng rau thương phẩm.

Bộ phận sử dụng

Toàn bộ cây rau dớn đều có thể được sử dụng làm dược liệu.

Công dụng của rau dớn

Giảng viên Trường Cao đẳng Dược Hà Nội cho hay, Rau dớn không chỉ là một loại rau quen thuộc trong các bữa ăn mà còn có nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Lá non có thể được dùng để luộc, xào, nấu canh hoặc ăn sống. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết hết công dụng của loại cây này.

Về mặt y học, rau dớn được sử dụng với nhiều tác dụng khác nhau:

  • Rau dớn phơi khô sắc nước uống giúp lợi tiểu, thanh nhiệt và hỗ trợ điều trị táo bón.

  • Có khả năng giảm đau, hỗ trợ điều trị viêm họng, cảm cúm.

  • Giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ, giảm tình trạng mất ngủ.

  • Hỗ trợ điều trị viêm đại tràng, giúp giảm đau bụng âm ỉ.

Một số bài thuốc sử dụng rau dớn

Cầm máu, hỗ trợ làm lành vết thương

50g lá non rau dớn rửa sạch, giã nhuyễn và đắp trực tiếp lên vết thương.

Chữa bỏng

100g lá non rau dớn và 100g ruột quả bí ngô, giã nát, đắp lên vết bỏng để làm dịu và hỗ trợ lành da.

Điều trị sốt rét

20g thân rễ rau dớn, bỏ rễ con, rửa sạch, thái nhỏ.

Sắc với 200ml nước cho đến khi còn khoảng 50ml.

Chia nước sắc thành hai lần uống trong ngày, duy trì từ 7 – 10 ngày.

Ngoài ra, rau dớn còn có tác dụng hỗ trợ điều trị các bệnh lý như sốt, hen suyễn, kiết lỵ, tiêu chảy và đau bụng.

Share this post