Khi bị suy nhược cơ thể, người bệnh sẽ cảm thấy mệt mỏi, thiếu sức sống và làm việc kém hiệu quả. Khi có bất kỳ biểu hiện bất thường nào cũng cần lưu ý đặc biệt vì đó có thể là lời cảnh báo bất ổn của sức khỏe. Hãy cùng Trường cao đẳng Y dược Pasteur tìm hiểu dấu hiệu và hướng điều trị của chứng suy nhược cơ thể.
- Người mắc bệnh gan nhiễm mỡ độ 1 nên ăn gì?
- Uống sữa đậu, thêm thứ này vào ngăn ngừa ung thư
- Cách giảm ho tự nhiên không dùng thuốc
Suy nhược cơ thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần
1. Suy nhược cơ thể là như thế nào?
Suy nhược cơ thể là tình trạng toàn thân bị mệt mỏi, thiếu sức sống, thiếu tập trung, không có tinh thần làm việc. Tình trạng suy nhược kéo dài sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, kém ăn, kèm theo đó là những dấu hiệu như sút cân, ngủ không sâu giấc, ăn không ngon, thậm chí bị mất ngủ, ác mộng, hay giảm trí nhớ… Tình trạng suy nhược cơ thể là vấn đề mà bất kì ai cũng có thể gặp phải. Thông thường sẽ gặp tình trạng này nhiều nhất ở lứa tuổi từ 20 đến 40 tuổi. Đây là độ tuổi mà chúng ta phải lao động mệt mỏi để kiếm tiền, lo cho cuộc sống và trang trải trong gia đình.
2. Những nguyên nhân gây suy nhược cơ thể
Theo giảng viên Dược – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur, những nguyên nhân gây suy nhược cơ thể có thể kể đến như:
- Lao động quá sức: Ở những người trẻ tuổi, nguyên nhân chính gây ra tình trạng suy nhược cơ thể là do lao động quá sức. Khi phải lao động nặng, quá sức và làm việc trong nhiều giờ mà ít nghỉ ngơi kèm theo đó là chế độ ăn uống, sinh hoạt không hợp lý sẽ dẫn đến tình trạng cơ thể bị mệt mỏi, thiếu sức sống và suy nhược về lâu dài.
- Tình trạng bệnh lý: Những người mắc phải bệnh lý về huyết áp, nhiễm trùng, nhiễm virus, thiếu sắt, bị suy giảm miễn dịch… là những đối tượng dễ bị suy nhược cơ thể.
- Chế độ dinh dưỡng thấp: Người kén ăn, ăn uống thiếu chất, người phải ăn uống kiêng khem, phụ nữ mang thai, người lớn tuổi kém ăn… khiến cơ thể bị thiếu hay không đủ chất dinh dưỡng cung cấp cho hoạt động của cơ thể dẫn đến tình trạng mệt mỏi kéo dài. Ngoài ra, người bị trầm cảm cũng là đối tượng có nguy cơ suy nhược cơ thể cao do họ dễ bị rối loạn cảm xúc và tâm lý bất ổn dẫn đến việc sinh hoạt hằng ngày không khoa học, ăn uống không đầy đủ chất, suy nghĩ nhiều và mệt mỏi.
3. Dấu hiệu nhận biết suy nhược cơ thể
Khi có những dấu hiệu bên dưới chính là cơ thể đang cảnh báo tình trạng suy nhược và chúng ta cần đặc biệt lưu ý:
- Mệt mỏi kéo dài: Điều đầu tiên chúng ta cần phải nhận biết chính là mệt mỏi. Khi bị suy nhược cơ thể sẽ luôn trong tình trạng mệt mỏi kéo dài. Cơ thể luôn ở tình trạng uể oải, cảm giác kiệt sức, thiếu sức sống, không có sức khỏe và tinh thần làm việc. Kèm theo đó là tình trạng đổ mồ hôi trộm, da xanh tái, hay bị ngất xỉu. Tình trạng này có thể kéo dài vài tuần hoặc vài tháng. Nếu chúng ta không sớm phát hiện và điều trị sẽ rất khó phục hồi được thể trạng ban đầu.
- Hay ốm vặt: Khi bị suy nhược cơ thể hệ miễn dịch sẽ bị suy giảm: dễ lây cảm cúm, nhiễm virus, dễ ốm vặt, hay đau mỏi cơ, bị viêm họng, viêm đường hô hấp…
- Ngủ không ngon: Theo cẩm nang sức khoẻ người bị suy nhược cơ thể thường xuyên trằn trọc mất ngủ, ngủ ít và giấc ngủ không sâu, hay mộng mị, ác mộng. Do đó, họ hay lờ đờ, mệt mỏi, ăn uống không ngon miệng, ăn kém, chán ăn, hay bị buồn nôn và sút cân. Giảm sút trí nhớ, khó tập trung và làm việc không đạt hiệu quả.
- Tâm lý thay đổi: Hay cáu gắt, khó chịu, suy nghĩ nhiều và lo lắng, bi quan. Điều này dẫn đến tâm lý bị thay đổi, không vui vẻ và hứng thú với công việc, cuộc sống. Nếu tình trạng nặng và kéo dài có thể gây stress thậm chí là trầm cảm hay rối loạn cảm xúc…
4. Phương pháp điều trị
- Thay đổi chế độ sinh hoạt
Nếu bị suy nhược cơ thể do làm việc quá sức cần phải thay đổi chế độ sinh hoạt. Lập thời gian biểu để làm việc và nghỉ ngơi một cách hợp lý. Xây dựng chế độ ăn với thành phần dinh dưỡng cân bằng. Tập luyện thể dục, thể thao để thay đổi thói quen sống lành mạnh giúp tinh thần phấn chấn trở lại, tạo cảm giác thèm ăn và kích thích ăn ngon.
Xây dựng chế độ dinh dưỡng và lối sống lành mạnh
- Điều trị tâm lý
Nếu bị suy nhược cơ thể xuất phát từ tâm lý thì người bệnh cần đến bác sĩ để được tư vấn phương thức điều trị phù hợp. Nên khuyến khích tham gia các hoạt động hội nhóm theo sở thích để chia sẻ từ đó tinh thần sẽ bớt bi quan và dần tìm lại được niềm vui.
- Điều trị bằng thuốc
Giảng viên Trường Cao đẳng Y dược TPHCM cho hay,: Đối với người bị suy nhược cơ thể do nguyên nhân bệnh lý thì cần sử dụng thuốc để điều trị khi cần thiết. Bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc giảm đau, thuốc bổ hay các loại thực phẩm chức năng để bổ sung dưỡng chất cần thiết cho cơ thể từ đó cải thiện tình trạng suy nhược do thiếu chất.
Tóm lại, tình trạng suy nhược cơ thể sẽ không còn quá lo ngại nếu chúng ta sớm nhận biết, tìm được căn nguyên và thay đổi kịp thời trong lối sống cũng như tìm được phương pháp điều trị phù hợp.
XEM THÊM: DUOCHOCVIETNAM.EDU.VN