Thuốc an thần gây ngủ là loại thuốc làm chậm hoạt động của não, tạo ra cảm giác thư giãn, thường được sử dụng để điều trị lo âu và rối loạn giấc ngủ. Đây là nhóm thuốc dễ bị lạm dụng và chỉ nên được kê đơn bởi bác sỹ. Sử dụng không đúng cách có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng hoặc dẫn đến lệ thuộc và nghiện thuốc.
- Nước ép cà chua – Lợi ích không ngờ cho sức khỏe của bạn
- Cây rau má: Thần dược cho sức khỏe của bạn
- Những lưu ý quan trọng khi sử dụng Rau răm
Các loại thuốc an thần gây ngủ
Theo các bác sĩ, giảng viên Cao đẳng Y Dược TPHCM cho biết, Nhóm thuốc an thần gây ngủ bao gồm ba loại chính theo cấu trúc hóa học:
- Benzodiazepines: Loại thuốc này thường được ưa chuộng với các hoạt chất như diazepam, bromazepam, clonazepam, được bán dưới các tên thương mại phổ biến như Seduxen, Valium, Lexomil, Rivotril…
- Barbiturate: Gồm các thuốc phenobarbital (Gardenal), pentobarbital (Nembutal). Mặc dù hiện nay ít được sử dụng trong điều trị an thần và gây ngủ do có tác dụng không mong muốn, nhưng vẫn được dùng trong việc chống co giật hoặc gây mê.
- Thuốc ngủ “Z – drugs”: Bao gồm zolpidem (Stilnox, Ambien), eszopiclone (Lunesta), zaleplon (Sonata). Loại thuốc này được ưa dùng trong điều trị rối loạn giấc ngủ với tác dụng gây ngủ êm dịu và ít gây nhờn thuốc, cũng như hội chứng cai khi ngừng sử dụng.
Thuốc an thần gây ngủ có tác dụng gì? Khi nào cần sử dụng?
Các thuốc an thần gây ngủ thường tác động lên não thông qua chất dẫn truyền thần kinh GABA (gamma-aminobutyric acid), làm giảm hoạt động của thần kinh trung ương. Mặc dù cách thức hoạt động của chúng khác nhau, nhưng cuối cùng, tất cả đều tăng hoạt tính của GABA và tạo ra cảm giác thư giãn. Ở liều dùng phù hợp, các thuốc này mang lại lợi ích cho người mắc lo âu, căng thẳng hoặc rối loạn giấc ngủ. Một số trong nhóm này cũng được sử dụng cho mục đích gây mê, chống co giật, giảm đau, và thư giãn cơ.
Cần lưu ý gì khi sử dụng thuốc an thần gây ngủ?
Giảng viên Trường Cao đẳng Dược Hà Nội cho hay, Thuốc an thần gây ngủ nên được sử dụng theo đơn của bác sỹ để tránh lạm dụng. Trong những ngày đầu, người sử dụng có thể trải qua cảm giác lơ mơ, mất ổn định khi đứng, ngủ gật và khó tập trung, nhưng những triệu chứng này sẽ giảm dần.
Do hệ thần kinh trung ương hoạt động chậm lại, người dùng nên tránh hoạt động cần sự tập trung cao như lái xe hay vận hành máy móc. Để tránh tác động tương tác có thể xảy ra, người dùng cũng nên tránh kết hợp thuốc an thần gây ngủ với các loại thuốc ức chế thần kinh trung ương khác, như thuốc giảm đau hoặc chống dị ứng, và không nên uống rượu trong thời gian sử dụng thuốc.
Thuốc an thần gây ngủ, ở liều thấp, giảm căng thẳng lo lắng, nhưng liều cao có thể gây ra tác dụng có hại như mờ mắt, thở chậm, nói ngọng và giảm nhận thức. Quá liều có thể dẫn đến hôn mê, mất ý thức và tử vong, đặc biệt là ở trẻ em và người cao tuổi. Trẻ em từ bà mẹ sử dụng lâu dài thuốc an thần cũng có thể gặp vấn đề liên quan đến hô hấp, ăn uống, quấy khóc hoặc rối loạn giấc ngủ.
Sau thời gian sử dụng, người dùng có thể trở nên nhờn thuốc và cần liều cao hơn để có tác dụng. Tuy nhiên, không nên tự tăng liều mà cần thông báo cho bác sỹ nếu thuốc không hiệu quả nữa. Dùng thuốc kéo dài có thể dẫn đến lệ thuộc và nghiện, là rủi ro chung của nhiều loại thuốc an thần gây ngủ.
Lệ thuộc xuất hiện khi cơ thể phụ thuộc vào thuốc, có thể yêu cầu liều cao hơn để đạt được tác dụng. Ngừng thuốc có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tâm lý, dẫn đến hội chứng cai thuốc như co giật, lo lắng, và biến chứng nặng, với mỗi loại thuốc có thể có thời gian và mức độ khác nhau. Người dùng không nên ngừng thuốc đột ngột, mà cần giảm dần liều dưới sự hướng dẫn của nhân viên y tế.
Nghiện thuốc đồng nghĩa với việc cảm giác khao khát sử dụng thuốc, ngay cả khi nó không hiệu quả hoặc gây hại, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Một khi đã nghiện, người bệnh thường cảm thấy không thể ngừng sử dụng thuốc, và vấn đề này có thể kéo dài nhiều năm. Để tránh nguy cơ này, quan trọng để tuân thủ đơn kê của bác sỹ, không tự ý tăng liều hoặc tự mua thêm thuốc. Thông báo đầy đủ thông tin về loại thuốc, liều lượng, tần suất, và thời gian sử dụng thuốc là quan trọng.
Lo âu và rối loạn giấc ngủ thường xuyên xuất hiện trong thời đại hiện đại. Ngoài việc sử dụng thuốc an thần gây ngủ, người bệnh cũng có thể hưởng lợi từ liệu pháp thư giãn tâm lý, quản lý vệ sinh giấc ngủ, hoặc sử dụng các loại thảo dược như tâm sen, lạc tiên, rotudin.
Tổng hợp: duochocvietnam.edu.vn